Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, các cuộc tấn công trên không gian mạng toàn cầu đã tăng khoảng 38%; trong đó có khoảng 5,5 tỷ cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại với 300 phần mềm độc hại mới được tạo ra mỗi ngày. Mỗi người trên thế giới trung bình phải chịu 3,5 cuộc tấn công mạng trong 1 năm. Ước tính thiệt hại toàn cầu do tấn công mạng, tội phạm mạng năm 2022 khoảng 6.000 tỷ Đô la Mỹ. Tấn công mạng chủ yếu tập trung vào các tổ chức, tập đoàn, cơ quan quan trọng, đầu não của các quốc gia để đánh cắp dữ liệu và làm tê liệt hệ thống.
Tại Việt Nam, năm 2022, thiệt hại do virus máy tính gây ra ở mức 21,2 nghìn tỷ đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức 3 cuộc diễn tập thực chiến quy mô quốc gia bảo đảm an toàn thông tin mạng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp cũng như trực tiếp ngăn chặn 2.328 web lừa đảo, 1.342 trang web lừa đảo trực tuyến; qua đó, góp phần bảo vệ gần 4 triệu người dân, tương đương 6% người dùng trên internet. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xử lý 76 website phát tán mã độc; chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển mạng Botnet (mạng máy tính ma). Các cuộc tấn công mạng ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào các máy chủ, chiếm quyền truy cập, lấy cắp mật khẩu, dữ liệu…
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin chia sẻ, an toàn an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị. Do đó, Cục cần duy trì và nâng cao hiệu quả của mô hình bảo đảm an toàn thông tin “4 lớp”, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia; thường xuyên, liên tục đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các cán bộ kỹ thuật; triển khai các giải pháp phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Cục An toàn thông tin đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, tham luận nhằm đẩy mạnh chiến lược đảm bảo an toàn, an ninh mạng quốc gia. Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết, địa phương luôn quan tâm đầu tư xây dựng và bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng mạng của tỉnh. Quảng Ninh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh (IDC) từ năm 2014, được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Tier 3. Các thiết bị phục vụ kiểm soát an ninh an toàn thông tin được trang bị cơ bản đầy đủ. Hiện tỉnh đang xây dựng Trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng (SOC), hệ thống mã độc quản trị tập trung…; đồng thời, xây dựng Trung tâm dữ liệu của các cơ quan khối Đảng đặt tại Văn phòng Tỉnh ủy.
Theo Cục An toàn thông tin, mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Trung tâm R&D về an toàn thông tin mạng, bảo vệ hệ thống thông tin 11 lĩnh vực quan trọng, hình thành lực lượng an toàn an ninh mạng tại các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước; 100% bộ, ngành, địa phương tổ chức diễn tập thực chiến hàng năm.
Để đạt được mục tiêu này, Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, cần tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, bảo vệ hệ thống thông tin của các lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin. Cục cần tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; làm chủ, tự chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng; nâng cao uy tín quốc gia và hợp tác quốc tế; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn an ninh mạng…