Lợi nhuận ròng của Panasonic Corp. trong giai đoạn từ tháng Tư tới tháng Sáu năm nay chỉ đạt 21,74 tỷ yen (213 triệu USD), giảm mạnh từ mức tương ứng 59,56 tỷ yên của cùng kỳ năm 2015. |
Cuối tuần qua hãng sản xuất đồ điện tử Nhật Bản Panasonic công bố báo cáo cho thấy lợi nhuận ròng trong quý II/2016 giảm 63,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này một lần nữa chứng tỏ các công ty điện tử truyền thống của Nhật Bản đang phải đối mặt với thời kỳ hết sức khó khăn.
Cụ thể, Panasonic Corp. cho biết lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng Tư tới tháng Sáu năm nay chỉ đạt 21,74 tỷ yen (213 triệu USD), giảm mạnh từ mức tương ứng 59,56 tỷ yên của cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động của Panasonic cũng hạ 12,6%, xuống 66,93 tỷ yên do doanh thu từ việc bán sản phẩm giảm 5,9%, xuống 1.750 tỷ yên (17,15 tỷ USD).
Kết quả kinh doanh thảm hại của Panasonic trong quý vừa qua không phải là trường hợp duy nhất tại Nhật Bản. Đầu tháng 7/2016, hãng điện tử danh tiếng của Trung Quốc là Lenovo cũng mua được 44% cổ phần từ tập đoàn NEC Japan Group của Nhật Bản. Nippon Electric Company (NEC), một trong những nhà cung cấp máy tính cá nhân (PC) lớn nhất Nhật Bản, đã công khai kế hoạch liên doanh với Lenovo từ năm 2011. Tuy nhiên, người khổng lồ này của Trung Quốc cũng không đủ sức cứu NEC thoát khỏi cảnh thua lỗ triền miên và hiện tại 95% cổ phần của họ nằm trong tay Lenovo.
Trong khi đó, Sharp- một tên tuổi lớn khác trong làng điện tử Nhật Bản - cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi công bố lỗ ròng 27,5 tỷ yên (269,5 triệu USD) trong nửa đầu năm 2016, trong đó thua lỗ hoạt động 2,5 tỷ yên (24,5 triệu USD). Doanh thu của Sharp trong giai đoạn từ tháng 1-6/2016 chỉ đạt 510,2 tỷ yên (5 tỷ USD), giảm 32% so với cùng kỳ năm 2015. Được thành lập năm 1912 Sharp được coi là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử và thiết bị gia dụng của Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Sharp không tránh khỏi làn sóng sáp nhập và mua lại khi Hon Hai Precision Industry Co, một hãng điện tử có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) quyết định mua 66% cổ phần của hãng trị giá 388,8 tỷ yên (3,8 tỷ USD) vào ngày 30/3 năm nay.
Tương tự, cuối tháng Sáu vừa qua Toshiba Corp cũng vừa bán 80,1% cổ phần với giá 51,4 tỷ yen (504 triệu USD) cho Midea Group, nhà chế tạo đồ điện gia dung của Trung Quốc. Thương hiệu có tuổi đời 140 năm này, "cha đẻ" của chiếc tivi, tủ lạnh và máy giặt đầu tiên của Nhật Bản đã báo cáo về lỗi thiết kế ít nhất ba lần kể từ năm 2008. Đại gia này tiếp tục chứng kiến thua lỗ gia tăng trong năm 2014 (lên tới 37,8 tỷ yên) do hoạt động không hiệu quả, dịch vụ hậu mãi kém và vụ bê bối về tài chính mới đây.