Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) hiện đang điều trị cho 90 trẻ mắc COVID-19. Trong số 18 trẻ đang phải nằm ở phòng Hồi sức cấp cứu, có 3 trường hợp phải thở máy. Hầu hết những trẻ này đều có bệnh lý nền và dưới độ tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Ngoài ra, tại đây cũng đang điều trị cho 90 trường hợp mắc COVID-19 là người lớn.
Chị N. T. K.T (ngụ Tây Ninh) cho biết, thấy con bị sốt, chị đã đưa bé đến bệnh viện tỉnh để khám thì phát hiện bé mắc COVID-19. Nằm ở bệnh viện tỉnh được 1 ngày, bé chuyển biến nặng, bị viêm màng não nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2.
Sau hơn 1 tuần nằm điều trị tại bệnh viện, hiện sức khỏe cậu con trai đã ổn định. “Trước đó, tôi đi làm và phát hiện mình bị mắc COVID-19 rồi về lây cho bé. Khi đưa bé lên đây điều trị, tôi xét nghiệm và đã có kết quả âm tính”, chị N.T.K.T cho biết thêm.
Chị T. H (ngụ Đồng Nai) cho biết, mới sinh được 10 ngày thì cả hai mẹ con chị đều mắc COVID-19. Điều trị tại bệnh viện tỉnh một thời gian không bớt nên cả hai mẹ con được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Vừa nhập viện, bé đã phải thở oxy. “Bé là bệnh nhi mắc COVID-19 nhỏ tuổi nhất ở đây. Hiện nay sức khỏe bé cũng đỡ hơn nhiều”, chị H. nói.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cách đây khoảng 3 tuần, số ca mắc có thời điểm lên đến 240 bệnh nhân trong khi bệnh viện chỉ có 200 giường bệnh. Do đó, bệnh viện đã phải kê thêm ghế bố.
Tuy nhiên hiện nay, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế cho phép bệnh nhân xuất viện sớm hơn bình thường nên đã giải phóng được bệnh nhân nội trú. Hiện số bệnh nhân nội trú là 180 trường hợp. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 trường hợp mắc COVID-19.
"Đối với trẻ em, tỷ lệ bị nặng ít hơn người lớn. Những trẻ đã được tiêm vaccine và đi học lại từ lớp 9-12 nếu dương tính bị rất nhẹ, chỉ những trường hợp bệnh nền mới cần nhập viện. Những trường hợp nhập viện điều trị có đến 45% là trẻ có bệnh lý nền, còn lại những trường hợp khác gồm trẻ dưới 12 tuổi, dư cân, béo phì…", bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết.
“Trước đây, việc chăm sóc cho bệnh nhi mắc COVID-19 rất cực, hiện nay phụ huynh đã được tiêm vaccine nên khi mắc COVID-19 họ không bị nặng và có thể tự chăm sóc trẻ phụ nhân viên y tế”, bác sĩ Đỗ Châu Việt chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, khi trẻ đi học trở lại sẽ ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19. Theo đó, nhà trường phải kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố nguy cơ hoặc nghi ngờ có triệu chứng mắc COVID-19 phải xử lý đúng quy trình, cách ly, xét nghiệm cần thiết cho trẻ để tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Ngoài ra, trường học phải chú ý hướng dẫn trẻ tuân thủ nguyên tắc 5K; đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách vào giờ nghỉ và ăn trưa, bởi đây là thời điểm trẻ dễ tiếp xúc với nhau. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt cho trẻ để tăng sức đề kháng.
Theo Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của trẻ mắc COVID-19 từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Khởi phát, trẻ có một hay nhiều triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác, khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ; tuy nhiên, nhiều trẻ thường không có triệu chứng.
Bộ Y tế cũng lưu ý, phụ huynh có con mắc COVID-19 phải khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm qui định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường.
Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế bao gồm: Sốt trên 38 độ C; tức ngực; đau rát họng, ho. Trẻ có cảm giác khó thở; tiêu chảy; SpO2 dưới 96%. Trẻ mệt, không chịu chơi và ăn/bú kém.
Các dấu hiệu chuyển nặng cần báo Cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã, phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay, gồm: Thở nhanh, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống. Ngoài ra, trẻ khó thở, cánh mũi phập phồng; tím tái môi đầu chi và SpO2 dưới 95%.