Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin, trong tuần 41 (từ ngày 9 - 15/10), Thành phố ghi nhận 465 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 11,2% so với trung bình 4 tuần trước (418 ca). Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm: Quận 1, Quận 8 và quận Bình Thạnh.
Theo ngành y tế, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng nhẹ từ tuần 24 đến nay, trong bối cảnh những đợt nắng nóng xen kẽ đợt mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Phân bố các tuýp virus đa số vẫn là D2.
Đối với dịch tay chân miệng, trong tuần qua, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng, với 1.715 ca bệnh được ghi nhận. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm: huyện Nhà Bè, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau khi số ca mắc và đạt đỉnh lần thứ nhất vào những tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8, tình hình dịch bệnh giảm dần và cho đến đầu tháng 9, số ca mắc bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay.
Trước đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm nằm đánh giá tình hình các dịch bệnh đang lưu hành và thống nhất các giải pháp phối hợp thực hiện trong công tác điều trị, kiểm soát bệnh tại khu vực phía Nam, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, 70% tổng số bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh là từ các tỉnh chuyển về. Việc chuyển bệnh hàng loạt lên TP Hồ Chí Minh cũng đồng thời gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tăng cường vai trò chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh hiện đang có dịch tay chân miệng với số ca mắc và ca nặng tăng cao.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng khẩn trương cử ngay tổ chuyên gia đến bệnh viện chuyên khoa sản nhi của tỉnh An Giang, Kiên Giang để hỗ trợ chuyên môn về điều trị bệnh tay chân miệng, đào tạo về lọc máu, giúp các đơn vị củng cố và nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân ngay tại địa phương.