Nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Từ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai xét nghiệm cộng đồng cho toàn bộ người dân. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu đến ngày 25/8 những khu vực nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ) phải hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một tuần rất quan trọng để Thành phố tập trung xét nghiệm, đặc biệt là đối với những vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, làm sao tách được hết F0 ra khỏi cộng đồng. Trên cơ sở đó, Thành phố tập trung vào công tác điều trị và giảm tối đa số ca tử vong cũng như số ca mắc mới.
"Việc xét nghiệm lần này khác hẳn so với những lần trước, bởi sẽ phải thực hiện khoảng 2 triệu mẫu xét nghiệm bằng test nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, chậm nhất đến ngày mai (25/8) là phải hoàn thành. Đây là một khối lượng công việc rất lớn”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, việc triển khai xét nghiệm bằng test nhanh trong ngày đầu chưa đạt tiến độ như mong muốn. Theo đó, Thành phố thực hiện được khoảng 170.000 mẫu thì có 6.000 mẫu dương tính. Đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được bởi vẫn còn thấp hơn 5% so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo đó, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã khuyến khích người dân tự test nhanh theo hướng dẫn của ngành y tế. Hiện cán bộ y tế tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đi đến từng hộ gia đình ở những khu vực có nguy cơ cao để phát test nhanh và hướng dẫn người dân kỹ thuật test nhanh.
Ông Nguyễn Mậu Nam, Trung tâm y tế Quận Tân Phú cho biết, với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, quận Tân Phú đã hoàn tất việc phát bộ dụng cụ test nhanh cũng như hướng dẫn người dân trên địa bàn tự thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên virus SARS-COV-2.
Theo ông Nguyễn Mậu Nam, khi được hướng dẫn test nhanh tại nhà, người dân cũng đã an tâm hơn. Đặc biệt, đối với các trường hợp test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, ngay sau đó đã được nhân viên y tế hỗ trợ thuốc, hướng dẫn điều trị tại nhà; những trường hợp người bệnh có triệu chứng nặng được nhanh chóng hỗ trợ chuyển đến cơ sở điều trị.
PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP Hồ Chí Minh cho biết: "Việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 toàn dân trong thời điểm này rất có ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Bởi khi phát hiện ra F0, chúng ta có thể biết được tối thiểu ai đang nhiễm và không, từ đó chủ động phòng, chống dịch bệnh và có các giải pháp tiếp theo; đồng thời giảm được tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng".
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh đã lấy 15.026 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 11.543 mẫu đơn và 3.483 mẫu gộp với 41.981 người được lấy mẫu tại các khu cách ly, khu dân cư, khu sản xuất tập trung... Xét nghiệm nhanh kháng nguyên được 207.188 mẫu.
Tập trung nâng cao công tác điều trị, giảm F0 nặng và tử vong
Ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, với chiến lược xét nghiệm hiện nay, trong thời gian tới, số ca F0 phát hiện trong cộng đồng hàng ngày sẽ tăng lên, do đó nhu cầu điều trị ca F0 cũng tăng lên. Theo đó, ngoài việc mở rộng tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng, Thành phố cũng mở rộng tầng 1 điều trị F0 tại nhà và khu cách ly điều trị.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang điều trị 36.029 bệnh nhân, trong đó có 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. "Với con số trên, đó là áp lực rất lớn cho công tác điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, được sự chi viện của Trung ương và Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân ở tầng 2, 3 và tiếp tục mở rộng ở tầng 1".
Hiện TP Hồ Chí Minh có 75 bệnh viện tầng 2, gồm các bệnh viện cấp thành phố, bệnh viện dã chiến và các bệnh viện quận, huyện tách đôi vừa điều trị COVID-19 vừa điều trị bệnh thông thường. Tầng 3 có 5 trung tâm hồi sức điều trị bệnh nhân nguy kịch và 3 bệnh viện với tổng số 3.600 giường.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đã và đang triển khai nhiều mô hình, trong đó tăng cường quản lý, điều trị F0 tại nhà. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các bệnh viện tiếp tục thành lập Trạm y tế lưu động, tùy theo mức độ F0 có trên địa bàn phường, mỗi một phường/xã sẽ thành lập được 2 -3 Trạm y tế lưu động. Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ chăm sóc F0 tại nhà, chăm sóc người bệnh thông thường và kết nối tuyến trên khi có trường hợp chuyển nặng, đồng thời thực hiện tiêm vaccine cho người dân.
Lãnh đạo ngành y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, với mô hình này, các y, bác sĩ sẽ tiếp cận gần hơn với tình hình sức khỏe của từng người bệnh và hỗ trợ khi cần tư vấn; nhất là sẽ cung cấp trực tiếp và miễn phí các thiết bị y tế, thuốc men và chăm sóc sức khỏe khi có tiến triển bất thường.
Theo thống kê, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thành lập được 274 Trạm y tế lưu động và đang tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu thành lập 400 trạm như chỉ tiêu đặt ra.
Tính từ 18 giờ 30 ngày 23/8 đến 18 giờ ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.627 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh, tăng 376 ca so với trước. Trong ngày, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 292 ca tử vong.
Về tỷ lệ tiêm vaccine, đến nay TP Hồ Chí Minh đạt 78,9% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 3,1% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2.