Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện những ca bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Trong đó có các bệnh nhân diễn biến nặng phải thở máy và chạy ECMO, bệnh nhân thận nhân tạo mắc COVID-19, bệnh nhân mắc COVID-19 tại cộng đồng, bệnh nhân mắc trong bệnh viện và cả nhân viên y tế mắc COVID-19. Do vậy, với kịch bản có thể diễn tiến trong những ngày đầu từ 15 - 20 ca, sau đó có thể tăng hơn nữa. Những bệnh nhân tại chỗ cần được triển khai điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết: “Ngay những ngày đầu, Bộ Y tế đã cử 3 tổ chuyên gia đến hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện có đang có 2 chuyên gia của Cục quản lý Khám, chữa bệnh hỗ trợ. Cục cũng đã cử ê kíp bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy (ê kíp điều trị bệnh nhân 91) và các chuyên gia về hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai; chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế vào hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân, phòng chống dịch. Hiện các chuyên gia đã khảo sát và đang thiết lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, trước mắt các bệnh viện phải thực hiện 4 tại chỗ, đảm bảo cho bệnh nhân được an toàn, nhân viên y tế được bảo vệ. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận những bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc COVID-19 và những bệnh nhân có nhiều bệnh nền tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế. Đồng thời sẽ chuyển bớt gần 300 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân mới phát hiện sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Vinmec… Các bệnh nhân không có điều kiện chuyển đi sẽ tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Trước đó, ngay từ đầu mùa dịch COVID-19, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu các bệnh viện bố trí 20 giường bệnh biệt lập để cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19…