Số liệu thống kê tình hình sốt xuất huyết của các địa phương từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (64.172/24), số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.
Dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm
Tại nhiều địa phương, số ca mắc số xuất huyết liên tục gia tăng do vào các tháng cao điểm của dịch bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.
Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 23/11, thành phố có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1, DENV2, DENV4.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện đang là thời gian cao điểm của sốt xuất huyết tại thành phố. Dự báo, dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12 tới.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, trung bình ghi nhận 9-10 ca/ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/11, tỉnh ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại Thành phố Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền.
Tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 4.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hai ca tử vong; phát hiện và xử lý hơn 230 ổ dịch ở 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Thị xã Ninh Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất, chiếm hơn 40% số mắc toàn tỉnh. Hai trường hợp tử vong là người dân tại huyện Vạn Ninh và Cam Lâm.
Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, tính đến ngày 15/11, khu vực miền Trung ghi nhận hơn 65.330 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 358 ca nặng và 10 trường hợp tử vong. Số ca nặng và tử vong năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước và chưa có dấu hiệu giảm.
Người dân chủ động phòng, chống
Để phòng, chống sốt xuất huyết, bên cạnh các biện pháp tích cực từ ngành Y tế như thực hiện tốt công tác phân luồng khám, điều trị kịp thời cho người bệnh, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là diệt muỗi vằn và lăng quăng tại hộ gia đình bằng nhiều hình thức, giúp người dân hiểu rõ nguy hiểm của bệnh, tích cực, chủ động phòng, chống…
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước Phạm Hoàng Xuân cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết ở tỉnh tăng 89,9%, số tử vong tăng một ca. Các địa phương trong tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt lăng quăng, đồng thời thành lập đội công tác ở mỗi ấp, thôn để tuyên truyền vận động tại chỗ, góp phần giảm ca mắc.
Ngành chức năng đã tích cực hướng dẫn người dân duy trì thường xuyên xử lý dụng cụ chứa, đọng nước diệt lăng quăng, không để muỗi sinh sản và các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất, kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các hộ gia đình thuộc khu vực có ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun đề có chỉ định phun cụ thể; xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức xử lý đúng phương pháp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các biện pháp xử lý được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án, chủ động ứng phó với mọi tình huống, thành lập các tổ điều trị, đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh; tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế các huyện, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn về kỹ năng giám sát, điều tra dịch tễ và thống kê báo cáo, xử lý số liệu bằng vi tính cũng như truyền tải thông tin bằng internet; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom, diệt ổ bọ gậy; phun hoá chất chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Tại tỉnh Khánh Hòa, trong những ngày tới, tỉnh tổ chức diệt lăng quăng với tần suất 2 tuần/lần tại địa bàn, khu vực nguy cơ cao; phun hóa chất chủ động vào các tháng cuối năm tại xã, phường có nguy cơ cao bùng phát sốt xuất huyết. Tỉnh tiếp tục giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Giám sát chặt việc xử lý ổ dịch
Bộ Y tế nhận định, do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19. Ngoài ra, ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao. Kết quả kiểm tra giám sát cho thấy vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.
“Ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận”, Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế dự báo: “Trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng”.
Vì vậy, tại Công điện 1576/CĐ-BYT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các địa phương cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
Ngành Y tế các địa phương triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đồng thời tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính), chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện…