Lao kháng thuốc - Bài cuối: Nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị

Mặc dù chữa bệnh lao kháng thuốc khá phức tạp, thuốc điều trị tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường, nhưng hiện thuốc điều trị lao kháng thuốc vẫn được cung cấp miễn phí. Mặt khác, Việt Nam đã áp dụng nhiều phác đồ điều trị mới nhất nên kết quả điều trị thành công lao kháng thuốc lên tới 70%, tốt hơn rất nhiều so với một số quốc gia khác.

Áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến 

Chú thích ảnh
Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế) ở Hà Nội được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân lao. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Trước đây việc chẩn đoán lao, đặc biệt là lao kháng thuốc thường khó khăn do hạn chế về hệ thống xét nghiệm, nhất là hệ thống chẩn đoán và điều trị lao ở tuyến cơ sở. Chẳng hạn, với phương pháp chẩn đoán lao bằng soi đờm trực tiếp, nếu lượng vi khuẩn lao ít sẽ khó phát hiện dẫn tới nguy cơ "bỏ sót" bệnh nhân.

Tuy nhiên, khi có chiến lược quốc gia sàng lọc lao 2X (Xquang - Xpert), việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn đã dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều lần. Đặc biệt đến thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã được Chương trình chống lao Quốc gia trang bị hệ thống máy xét nghiệm GeneXpert hiện đại, cho kết quả nhanh với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Bên cạnh việc tìm vi khuẩn lao, xét nghiệm GenXpert còn cho kết quả về mức độ cũng như tính kháng thuốc của vi khuẩn lao với Rifampicin (thuốc quan trọng hàng đầu trong phác đồ điều trị lao nhạy cảm) để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả. Nhờ hệ thống máy xét nghiệm GenXpert, chỉ vài vi khuẩn cũng có thể chẩn đoán lao; việc tầm soát bệnh lao kháng thuốc nhanh hơn rất nhiều, chỉ sau 2 giờ xét nghiệm đã có kết quả.

Hà Giang là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trước đây, công tác khám và sàng lọc bệnh nhân lao, đặc biệt là lao kháng thuốc tại đây gặp rất nhiều khó khăn do trang thiết bị máy móc còn thô sơ. Từ khi được Chương trình chống lao Quốc gia trang bị hai hệ thống máy xét nghiệm GenXpert hiện đại, quá trình sàng lọc, phát hiện, điều trị bệnh nhân lao, kể cả lao kháng thuốc đã hiệu quả hơn.

Theo bác sỹ Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Phổi Hà Giang, bệnh nhân được hưởng lợi rất nhiều từ các trang thiết bị máy móc này. Bởi trước đây, khi bệnh nhân về tuyến tỉnh khám không phát hiện ra lao kháng thuốc thì điều trị cũng không khỏi, thậm chí còn nặng thêm. Máy GeneXpert giúp xác định được loại thuốc bệnh nhân đã bị kháng, để bác sỹ đưa ra phương án điều trị phù hợp, hiệu quả, khỏi hoàn toàn. Bên cạnh đó, trước đây ở tuyến tỉnh có những ca nghi ngờ là lao kháng thuốc, bệnh nhân phải lên Bệnh viện Phổi Trung ương để sàng lọc. Quá trình di chuyển rất khó khăn, vất vả, tốn kém trong khi đa phần bệnh nhân là người dân vùng cao, nghèo khó. Việc bệnh viện tỉnh được trang bị máy đặc chủng đã giúp nâng cao năng lực xử lý ở tuyến này, thuận tiện trong công tác sàng lọc, điều trị, đặc biệt là có những đợt khám chủ động ở tuyến cộng đồng, tuyến cơ sở, bác sỹ Nguyễn Thế Cường chia sẻ.

Bên cạnh chiến lược 2X và hệ thống xét nghiệm GeneXpert, những năm gần đây, rất nhiều xét nghiệm sinh học phân tử mới giúp chẩn đoán và phát hiện nhanh lao kháng thuốc như: Xpert MTB/RIF, Xpert XDR, LPA hàng 1, hàng 2, Truenat, NAATs,... đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn và được triển khai tại Việt Nam.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, các xét nghiệm này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào khuyến cáo mới nhất trong chẩn đoán sớm bệnh lao, lao kháng thuốc với độ nhạy, độ đặc hiệu cao, xác định được tính kháng thuốc với nhiều loại thuốc lao, thời gian trả kết quả nhanh, hứa hẹn sẽ là mũi nhọn mới trong chẩn đoán sớm bệnh lao, lao kháng thuốc.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm truyền thống như nuôi cấy, kháng sinh đồ cũng được cải tiến, giúp phát hiện nhiều hơn các chủng vi khuẩn lao kháng với nhiều loại thuốc khác nhau. Đặc biệt gần đây, các xét nghiệm kháng sinh đồ còn cho biết tính kháng của vi khuẩn lao với các thuốc chống lao mới nhất, giúp lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh.

Áp dụng phác đồ điều trị lao mới nhất

Chú thích ảnh
Bác sỹ thăm khám tại nhà bệnh nhân lao ở xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Đinh Văn Lượng, trước đây, điều trị lao kháng thuốc, đặc biệt là lao kháng Rifampicin, lao tiền siêu kháng, lao siêu kháng, thường gặp nhiều khó khăn do số lượng thuốc nhiều, thời gian điều trị kéo dài (thường từ 9 - 18 tháng), nhiều tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh thường rất mệt mỏi, gánh nặng kinh tế cao mặc dù Chương trình chống lao Quốc gia đã hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị. Những khó khăn này dẫn đến việc người bệnh hoặc không tuân thủ điều trị.

Đại dịch COVID-19 xảy ra trong thời gian dài nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chẩn đoán, điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc. Tuy nhiên, Chương trình chống lao Quốc gia cũng đã có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời, giúp người bệnh đảm bảo quá trình điều trị, không bị gián đoạn.

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều thuốc mới trong điều trị lao kháng thuốc được Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu và khuyến cáo đưa vào sử dụng như Bedaquiline và Pretomanide. Với các thuốc lao mới, phác đồ điều trị sẽ được rút ngắn, số lượng thuốc ít hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, ít tác dụng không mong muốn cho người bệnh.

Dự kiến Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lao mới nhất. Từ đó, người bệnh lao kháng thuốc, với các điều kiện phù hợp sẽ chỉ mất ít nhất 6 tháng điều trị với 3 - 4 loại thuốc thay vì mất 9 - 18 tháng điều trị với 5 - 7 thuốc như trước đây; ưu tiên các loại thuốc uống thay vì thuốc tiêm, giúp người bệnh dễ tiếp cận phác đồ hơn. Các phác đồ điều trị mới đã được nghiên cứu đảm bảo hiệu quả điều trị, nhiều lợi ích cho người bệnh mắc lao kháng thuốc. Đây là một trong những mũi nhọn trong chiến dịch chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 - Tiến sỹ, bác sỹ Đinh Văn Lượng chia sẻ.

Bên cạnh những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị thì việc hỗ trợ cho bệnh nhân lao hiện cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi thuốc chống lao đã được nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế cấp cho bệnh nhân trên toàn quốc. Bệnh nhân lao đa kháng thuốc vẫn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và tài trợ quốc tế. Đồng thời Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) cũng thực hiện hỗ trợ, đảm bảo cho bệnh nhân không chỉ về vấn đề cung ứng thuốc mà còn được quản lý, hỗ trợ điều kiện sinh hoạt để bệnh nhân có thể yên tâm điều trị…

Tiến sỹ, Bác sỹ Đinh Văn Lượng khuyến cáo, người dân khi mắc lao không nên giấu bệnh, mà cần chủ động đi khám sớm để được điều trị hiệu quả. Với bệnh nhân nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế, Chương trình chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) sẽ hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và chi điều trị bệnh...

M.H (TTXVN)
Vị Phó Giáo sư và khát vọng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam
Vị Phó Giáo sư và khát vọng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam

“Chúng tôi có khát vọng, niềm tin và ước mơ chấm dứt bệnh lao vì nhìn thấy rõ những nỗi đau của bệnh nhân lao, đồng thời nhìn thấy rõ cơ hội để chấm dứt những nỗi đau đó…”, Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ như vậy khi nhắc đến Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp", của ông cùng 22 đồng tác giả vinh dự được Đảng, Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào cuối năm 2022 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN