Cụ thể, đối với nhóm từ 2 - 48 tháng tuổi, ngành Y tế Kon Tum đã tiến hành tiêm vaccine cho hơn 13.200 người tại 10/10 huyện, thành phố; đạt trên 95%. Nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên đã có gần 432.000 người tiêm đợt 1, chiếm 93,2%; gần 395.000 người tiêm đợt 2, chiếm 92,4%. 102/102 xã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90%.
Bác sỹ Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, trong chiến dịch tiêm vaccine Td phòng bệnh bạch hầu, ngành Y tế tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhận thức còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, số đối tượng lớn nên công tác tổ chức tương đối khó khăn, vất vả, đặc biệt là việc tiêm vaccine Td mũi 2, do người dân ngại đi tiêm. Một bộ phận nhỏ người dân còn chủ quan với dịch bệnh bạch hầu nên không tham gia tiêm chủng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai nhận được nhiều thuận lợi như sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cung ứng vaccine và vật tư tiêm chủng kịp thời triển khai chiến dịch trên địa bàn tỉnh, nhất là nguồn vaccine Td.
Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum được xây dựng cụ thể, rõ ràng, chi tiết đến từng điểm tiêm. Đặc biệt, sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của cán bộ y tế các tuyến trong công tác triển khai chiến dịch đã giúp Kon Tum “về đích” trong chiến dịch tiêm phòng bạch hầu.
“Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đối tượng trên địa bàn để tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, không bỏ sót mũi tiêm, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu, tạo miễn dịch cho cộng đồng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn”, bác sỹ Nguyễn Lộc Vương khẳng định.
Khu vực Tây Nguyên trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng bùng phát dịch bạch hầu. Riêng tại tỉnh Kon Tum, từ năm 2016, tình hình dịch bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp, với hơn 30 người mắc bệnh. Đặc biệt, các năm 2016 và 2018 đều có trường hợp tử vong.
Tháng 7/2020, dịch bệnh bạch hầu tiếp tục bùng phát ở Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Ngày 15/7/2020, Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Tại Kon Tum, mục tiêu của chiến dịch là trên 90% đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu, tùy theo độ tuổi sẽ sử dụng vaccine DPT-VGB-Hib (SII), vaccine DPT hoặc Td.