Trong báo cáo công bố mới đây, CSIRO đã đưa ra 20 khuyến nghị nhằm tăng cường công tác chuẩn bị ứng phó đại dịch của Australia. Các khuyến nghị này tập trung vào 6 lĩnh vực then chốt gồm năng lực chữa trị, sản xuất vaccine, chia sẻ dữ liệu, điều chỉnh các phương pháp điều trị và thuốc kháng virus, chẩn đoán tại chỗ, phân tích gene mầm bệnh và các biến thể.
Tham gia báo cáo có hơn 140 chuyên gia. Báo cáo nhấn mạnh rằng hiểu biết hạn chế về các loại virus có nguy cơ gây đại dịch khiến việc triển khai các biện pháp y tế để ứng phó trong thời gian ngắn trở nên khó khăn. Trước tình hình này, báo cáo đã kêu gọi thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu, công nghiệp và hệ thống y tế và đa dạng hóa việc sản xuất vaccine nội địa. Các nhà khoa học chỉ ra rằng với nguồn lực hạn chế, Australia có thể được hưởng lợi từ việc tập trung nỗ lực nghiên cứu về những họ virus có nguy cơ gây đại dịch cao đối với nhân loại. Báo cáo cũng khuyến nghị thiết lập các tiêu chuẩn dữ liệu đại dịch quốc gia, cơ quan phân tích gene quốc gia và một nền tảng phân tích.
Báo cáo khẳng định công tác phân tích gene của Australia là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trên toàn cầu vào giai đoạn đầu đại dịch, song đã nhanh chóng thất bại do nhu cầu tăng nhanh khi số ca nhiễm tăng mạnh. Giám đốc điều hành CSIRO Larry Marshall cho rằng Australia cần có cách tiếp cận theo nhóm để bảo vệ nước này khỏi các đại dịch trong tương lai.
Ông nhận định Australia đã đóng vai trò quan trọng trong công tác ứng phó toàn cầu nhằm kiểm soát các đợt bùng phát và phát triển được vaccine hiệu quả. Trong bối cảnh bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng cả về tần suất và tác động, khoa học có thể hỗ trợ việc chuẩn bị, thúc đẩy khả năng phục hồi để bảo vệ con người và đảm bảo thịnh vượng trong tương lai.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng lên trong những tháng mùa Đông của Australia. Cho đến nay, số ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch đã vượt 10 triệu ca trong tổng dân số 25 triệu người của Australia.