Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 16/7, toàn tỉnh ghi nhận 750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 738 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; 12 ca mắc sốt xuất huyết Dengue nặng; một trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố. Huyện Ea Kar báo động với 129 ca, thành phố Buôn Ma Thuột 123 ca, huyện Ea H’Leo 109 ca.
Trường hợp tử vong là bệnh nhi 7 tuổi, tại thị xã Buôn Hồ. Trước đó, ngày 4/7, trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, ở nhà có dùng thuốc nhưng không hạ. Ngày 6/7, người nhà đưa bé đi khám tại một cơ sở y tế tại thành phố Buôn Ma Thuột. Bé được chẩn đoán sốt xuất huyết và kê đơn thuốc điều trị tại nhà. Đến ngày 8/7, trẻ đau bụng, tay chân lạnh, được người nhà đưa đến khám, nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đức Tâm và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, bé được chuẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, đã xử trí dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác. Tuy nhiên, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán viêm cơ tim cấp, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4 tái sốc lần 1.
Tiến sĩ, bác sỹ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong khoảng 1 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến so với cùng kỳ tháng trước. Có nhiều trường hợp nặng vào viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, chảy máu liên tục. Đây là cảnh báo đối với bậc cha mẹ trong mùa dịch tễ sốt xuất huyết. Cha mẹ cần chú ý không để các cháu bị muỗi đốt, nếu có triệu chứng của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được phân loại, điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
“Khoa Nhi tổng hợp có một khu vực dành riêng cho các ca bệnh sốt xuất huyết, một phòng cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Chúng tôi đảm bảo về thuốc, cơ sở vật chất, tập huấn các phác đồ và liên tục tập huấn với tuyến trên đối với bệnh sốt xuất huyết; đồng thời, xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị ca bệnh sốt xuất huyết để đảm bảo cấp cứu cho bệnh nhân trong thời gian tới”, bác sỹ Trần Thị Thúy Minh chia sẻ.
Bác sỹ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn do Đắk Lắk bước vào mùa mưa, thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, người dân vẫn chủ quan, lơ là trong công tác phòng ngừa bệnh. Khi mắc bệnh người dân thường tự ý mua thuốc uống điều trị tại nhà khiến bệnh diễn tiến nặng rất khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.
Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố, sở, ban, ngành phối hợp vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị thế nhưng công tác này vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Các ngành vẫn lơ là, chủ quan, trông chờ vào ngành Y tế để khi có dịch sốt xuất huyết thì mới phun thuốc. Tuy nhiên, phun thuốc là khâu cuối cùng, điều quan trọng hơn, người dân cần vệ sinh môi trường, nhà ở, khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời, bác sỹ Hoàng Hải Phúc chia sẻ thêm.
Thời gian tới, để hạn chế thấp nhất số ca mắc sốt xuất huyết, ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng bệnh. Ngành cũng tăng cường công tác điều trị, chuẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, dứt điểm ca bệnh.