Đây là đợt bùng phát thứ 3 dịch Ebola tại tỉnh này kể từ năm 2018 và là đợt bùng phát thứ 14 trên toàn lãnh thổ CHDC Congo.
Nhờ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát Ebola, các đội cấp cứu quốc gia của CHDC Congo với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đã phản ứng nhanh chóng ngay khi đợt bùng phát dịch bệnh được thông báo ngày 23/4 vừa qua. Các biện pháp kiểm soát chính đã được triển khai, bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, điều trị và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng. Tiêm phòng, một biện pháp bảo vệ quan trọng, cũng đã được triển khai thực hiện chỉ 4 ngày sau khi dịch bệnh bùng phát. Tổng cộng đã có 4 trường hợp mắc bệnh được xác nhận và tất cả đều đã tử vong.
Trước đó, trong đợt bùng phát dịch Ebola kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11/2020 cũng tại tỉnh Equateur, có 130 trường hợp được xác nhận mắc bệnh và 55 trường hợp tử vong. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết nhờ phản ứng mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng của CHDC Congo, đợt bùng phát dịch bệnh lần này đã nhanh chóng chấm dứt với tốc lây nhiễm virus được hạn chế.
Kể từ năm 1976 đến nay CHDC Congo đã ghi nhận 14 đợt bùng phát dịch Ebola, trong đó có 6 đợt xảy ra từ năm 2018 và đợt bùng phát ở Mbandaka là đợt dịch mới nhất. Mặc dù đợt dịch này đã được thông báo kết thúc, song các cơ quan y tế địa phương vẫn tiếp tục các hoạt động giám sát và sẵn sàng ứng phó nhanh chóng nếu dịch có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Bệnh Ebola ảnh hưởng đến con người và các loài linh trưởng khác với những biểu hiện rất nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do căn bệnh này dao động từ 25% đến 90% trong các đợt bùng phát dịch trước đây. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay, bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn đáng kể nếu được điều trị sớm và chăm sóc hỗ trợ.