Bảo đảm phát hiện sớm, xử lý kịp thời
Ngay sau phát hiện 1 ca bệnh tạm trú tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), thường trú tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc tại cộng đồng. Qua đó, đảm bảo việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát.
Bác sỹ Bùi Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 12/7, trên địa bàn chưa có trường hợp nào dương tính với bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh đã yêu cầu các đơn vị y tế rà soát, thống kê trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường, thị trấn; tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã có công văn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền về nguyên nhân, đường lây, cách phòng, chống bệnh; thông tin về tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu, địa điểm, lịch tiêm thường xuyên và nhắc lại. Sở cũng vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi tiêm. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân cần khai báo với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn phòng bệnh, cách ly tại nhà, tuân thủ triệt để về cách ly, điều trị của cơ quan y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố điều tra giám sát trường hợp mắc, nghi mắc bạch hầu, nhất là trường hợp có lịch sử đi, đến từ vùng dịch, tiếp xúc với bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm và khoanh vùng xử lý. Hướng dẫn cán bộ phòng, chống dịch các tuyến rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất; cử đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chống dịch. Đồng thời, báo cáo UBND huyện, thành phố bố trí kinh phí, huy động nguồn lực, nhân lực sẵn sàng phục vụ, hỗ trợ khu vực có dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị giáo dục theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học; thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo Bác sỹ chuyên khoa 1 Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có gần 30 cơ sở tiêm phòng dịch vụ, vì vậy người dân không nên lo lắng; những trường hợp thuộc diện tiêm chủng và chưa tiêm đủ vaccine bạch hầu có thể liên hệ các cơ sở tiêm phòng dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, hơn 10 năm qua Hòa Bình chưa có trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mở rộng vaccine cho trẻ ở Hòa Bình đạt 97%. Kết quả có được nhờ những bước phát triển chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên, ý thức tự đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng. Đặc biệt, các cơ sở y tế đã tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine hàng tháng cho trẻ, đảm bảo tiêm đủ mũi và đúng lịch.
Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh
Ngày 12/7, ông Nguyễn Bá Cẩn, Quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa có nhiều khu công nghiệp, di biến động dân cư lớn; thêm vào đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ còn chưa cao nên nguy cơ xâm nhập ca bệnh bạch hầu vào địa bàn rất cao.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng khan hiếm, thiếu hụt cục bộ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến thiếu hụt vaccine thành phần DPT-VGB-Hib (là vaccine "5 trong 1” bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B) sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi; vaccine DPT (vaccine có tác dụng phòng 3 bệnh truyền nhiễm Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván hấp phụ) sử dụng cho trẻ 18-24 tháng tuổi. Do vậy, độ bao phủ vaccine đạt thấp, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, nhất là với các đối tượng chưa được tiêm chủng.
Để chủ động ngăn ngừa bệnh bạch hầu, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường công tác phòng, chống, không để lây lan, bùng phát trên địa bàn. Các đơn vị cập nhật tình hình bệnh bạch hầu, các dịch bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng để đáp ứng từ sớm, từ xa và chủ động giám sát các ca bệnh đầu tiên tại cộng đồng. Từ đó kịp thời xử lý, điều tra, truy vết, cách ly, chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ, không để lây lan. Lực lượng chức năng tăng cường giám sát, nhất là người đi về từ vùng dịch; sẵn sáng thực hiện tốt công tác cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường phối hợp giữa hệ điều trị và dự phòng trong phát hiện, điều tra, báo cáo ca bệnh...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) hướng dẫn chuyên môn về giám sát, xử lý bệnh bạch hầu cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các đơn vị xây dựng thông điệp, nội dung truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu với nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp và gửi nội dung tuyên truyền về các đơn vị y tế, địa phương để tổ chức tuyên truyền phòng, chống...
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu bệnh bạch hầu, bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân. Các cơ sở y tế thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Ngành Y tế Thanh Hóa đang khẩn trương lên kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt việc thu dung, khám, phân loại, điều trị bệnh nhân bạch hầu.