Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15/6:

Chủ động dập sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận trên 22.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Phú Yên (2), Bình Dương (1), Sóc Trăng (1), Thành phố Hồ Chí Minh (1). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 12,7%, tuy nhiên số ca tử vong tăng 2 trường hợp…

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, công tác phòng, chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

“Tuy vậy, hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc. Từ năm 2021 Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số không được tiếp tục duy trì và các địa phương phải tự bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, trong khi đó nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch vẫn còn cao, tình hình sốt xuất huyết trên thế giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp do điều kiện môi trường thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh, tốc độ đô thị hóa gia tăng, có sự biến động dân cư nên khó kiểm soát nguồn truyền bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Dự báo, trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Bộ Y tế đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và triển khai các hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác dập dịch sốt xuất huyết nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống COVID-19.

Bên cạnh đó, cần “giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất cho tất cả các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể; xác định khu vực có nguy cơ cao đế tổ chức phun hóa chất diện rộng; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 2.700 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương có số ca mắc cao là thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch và huyện Tân Phú…

“Trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì các dịch bệnh lây nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng gia tăng. Mặc dù chưa phải cao điểm của dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên Đồng Nai đã ghi nhận số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cảnh báo một đợt bùng dịch sắp tới”, bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đồng Nai, cho biết.

Đặc biệt, Đồng Nai hiện đang bước vào mùa mưa, đây là thời điểm bắt đầu gia tăng bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác, vì thế bên cạnh vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, ngành y tế Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết như tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố; phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường trọng điểm; tăng cường xử lý các ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đến người dân.

Tại Hà Nội, để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, Trung tâm Y tế của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức các hoạt động cộng đồng hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn, không để dịch lây lan tại cộng đồng.

Các Trung tâm Y tế tăng cường công tác tuyên truyền tại cộng đồng bằng nhiều hình thức như truyền thông bằng loa di động, băng zôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tuyên truyền tại hộ gia đình… về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch và những tháng tiếp theo, đặc biệt tại các xã, phường có nguy cơ cao về sốt xuất huyết. 

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo đó, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, vì vậy cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá  ào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng, bọ gậy; hằng tuần thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…); thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

Đặc biệt, để phòng chống muỗi đốt, người dân cần mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi..., dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất để phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

TTXVN/Báo Tin tức
Sốt xuất huyết và COVID-19: Gánh nặng kép cho các quốc gia châu Á
Sốt xuất huyết và COVID-19: Gánh nặng kép cho các quốc gia châu Á

Một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân COVID-19 đã từng mắc sốt xuất huyết có nguy cơ gặp các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN