Tuy nhiên, tại Hà Nội, số ca mắc vẫn không giảm. Tính từ cuối tháng 9/2023 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).
Chỉ trong tuần từ 6 - 13/10, thành phố ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với 136 ổ dịch tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Hà Đông là địa bàn dẫn đầu về số ca mắc với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca. Các quận, huyện còn lại: Cầu Giấy, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm ghi nhận từ 120 -124 ca.
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 20.548 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, số ca sốt xuất huyết giảm chung trên cả nước nhưng tại Hà Nội lại tăng hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái là do thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao.
Thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng - Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết.
Trong khi đó, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, do sự chi phối của El Nino, nền nhiệt trong mùa đông năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C như vậy, mùa đông ở miền Bắc sẽ không còn lạnh như trước đây.
Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch COVID-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh…
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2760/QĐ-BYT "Hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue".
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn, đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, dịch truyền cũng như các chế phẩm máu,.. để có thể sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát quy trình tiếp nhận, phân loại bệnh nhân; chú trọng việc theo dõi điều trị bệnh nhân, đặc biệt thời điểm nghỉ lễ, giao ca. Các bệnh viện củng cố duy trì nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue tại bệnh viện, thiết lập đường dây nóng...
Các cơ sở y tế tuân thủ báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết Dengue cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương; đảm bảo vệ sinh, xử lý môi trường bệnh viện không để muỗi sốt xuất huyết Dengue lưu hành…