Bộ trưởng Bộ Y tế và các thứ trưởng được tiêm vaccine phòng COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Ngày 6/5, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thứ trưởng, cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Chú thích ảnh
GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các lãnh đạo Bộ Y tế và những người thực hiện tiêm chủng đều cho biết sức khỏe của họ sau tiêm đều hoàn toàn bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe.

Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và  theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu, đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế  luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đến nay, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Theo ghi nhận, đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ…và thường hết sau 24 giờ. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai an toàn.

Chú thích ảnh
 Các cán bộ, nhân viên y tế ngồi giãn cách 30 phút chờ kiểm tra sau tiêm. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, toàn bộ số vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn cung nước ngoài về Việt Nam sẽ được tiêm hết vào ngày 15/5. Chính phủ cũng đã thảo luận rất kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất và tổ chức tiêm vaccine, giao Bộ Y tế hoàn chỉnh trong tháng 5/2021.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyết cáo, tiêm vaccine chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa COVID-19; không có tác dụng phòng ngừa 100%.  Bởi vậy, sau khi tiêm vaccine, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với COVID-19, người dân phải thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).

TTXVN/Báo Tin tức
Du học sinh, người lao động ở nước ngoài sẽ được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19
Du học sinh, người lao động ở nước ngoài sẽ được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19

Sáng nay 6/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều Thứ trưởng, lãnh đạo Bộ Y tế, đã tới khám sàng lọc và tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, một trong những vấn đề ưu tiên của Chính phủ là tiêm vaccine cho người dân, giúp tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN