Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ do Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình trình bày cho thấy, đa số các ý kiến đều nhất trí với những đánh giá, nhận định trong các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; tại 4 tổ đã có trên 50 ý kiến tham gia sâu, có chất lượng vào các nội dung trình Kỳ họp. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, khó khăn và những nội dung cần quan tâm thực hiện tốt trong thời gian tới.
Đối với Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, có một số ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ những chỉ tiêu tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt tiến độ theo kế hoạch. Đặc biệt, một số đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách, chương trình hành động, khâu đột phá để từng bước cụ thể hóa thực hiện, bảo đảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Một số ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Nhất là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản các công trình giao thông trong 6 tháng cuối năm, cần bổ sung các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giá nguyên, nhiên vật liệu tăng.
Nhiều ý kiến đề nghị ngành công thương cần quan tâm, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương về quản lý, kinh doanh thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ để đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng, dầu của người dân vùng cao theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị tỉnh cần có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa đối với chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành kế hoạch khắc phục bảo đảm nâng cao vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đánh giá bổ sung việc đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử.
Phần tham gia ý kiến vào Nghị quyết tại Hội trường diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến tâm đắc được các đại biểu trình bày với nhiều luận cứ thuyết phục, tạo sự thu hút và quan tâm của cử tri trên toàn tỉnh, trong đó tập trung vào một số nội dung liên quan đến giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ không đạt kế hoạch đề ra.
Nhiều giải pháp đang được cử tri tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, như giải pháp hỗ trợ người nghèo sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân ở các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn tới; giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công trình trọng điểm, đầu tư công trong lĩnh vực giao thông; giải pháp phục hồi và phát triển du lịch tỉnh trong tình hình mới; giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới...
Kết thúc phiên thảo luận, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái tiến hành biểu quyết thông qua các nghị quyết. Theo đó, có 11 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023 lần lượt được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, để các Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương từ tỉnh đến cơ sở khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết vừa được thông qua, gắn với việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực, kịp thời khắc phục những mặt còn bất cập, hạn chế, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho phục hồi và phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.