Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, trong giai đoạn mới, thành phố Hưng Yên cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang các tuyến phố cũ, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, các công trình trọng điểm nhằm hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị loại 2 trước năm 2025. Mặt khác, từng bước tập trung hoàn thiện khu Đại học Phố Hiến, thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp với các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch để tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và quy mô dân số của thành phố.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho rằng, thành phố Hưng Yên với địa thể nằm bên bờ sông Hồng và sông Luộc, có ngã ba sông giáp ranh với các tỉnh Thái Bình và Hà Nam, có không gian và diện tích rộng, rất thuận lợi cho quy hoạch phát triển lâu dài. Theo đó, cần thực hiện quy hoạch để xây dựng thành phố có tầm nhìn xa, bảo đảm hài hòa, bền vững giữa các phường trung tâm và các xã vùng ven. Coi trọng khai thác giá trị đô thị cổ Phố Hiến có các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng với điểm nhấn là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến, xen lẫn vùng trồng nhãn lồng đặc sản. Đây là lợi thế phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm nhằm thúc đẩy du lịch thành phố ngày càng phát triển.
Về những kết quả đạt được, ông Doãn Quốc Hoàn, Quyền Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong nhiệm kỳ qua nhiều hạng mục công trình, dự án đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 4.500 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã đạt tổng điểm 79/100 theo đánh giá đô thị loại II. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%; tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt hơn 11%; thương mại dịch vụ tăng hơn 16%/năm, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88 triệu đồng/năm. Nhiều tuyến phố thương mại, ẩm thực được hình thành, tạo nên sự sầm uất trong kinh doanh.
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 2.300 hộ ký kinh doanh dịch vụ, gần 1.400 doanh nghiệp hoạt động tạo việc làm cho khoảng 9.000 lao động địa phương. Tiềm năng du lịch tâm linh của Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến được khơi dậy, mỗi năm đón 250.000 lượt khách du lịch.
Bên cạnh đó, thành phố cũng hình thành 12 vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap hiệu quả kinh tế cao, đạt bình quân hơn 250 triệu đồng/ha mỗi năm, như vùng trồng nhãn lồng ở phường Hồng Châu, Lam Sơn và các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng, Hoàng Hanh; vùng trồng cam xã Quảng Châu, Phú Cường, Hùng Cường; vùng trồng rau sạch ở xã Trung Nghĩa.
Về chiến lược cho nhiệm kỳ tới, ông Phạm Huy Bình, Bí thư thành ủy Hưng Yên chia sẻ, Đảng bộ thành phố đề ra 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm. Trong đó tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch; coi trong giáo dục đào tạo, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Chú trọng công tác quy hoạch để định hướng phát triển nhanh và bền vững, xây dựng thành phố du lịch “sáng, xanh, sạch, đẹp”, xứng tầm là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, bảo đảm sự hài hòa giữa nét cổ xưa của Phố Hiến với thành phố trẻ hiện đại hôm nay.