Với nền tảng từ Đề án thành phố thông minh, Bình Dương đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, đồng thời từng bước chuyển hướng thu hút đầu tư với các dự án chất lượng cao.
Vượt khó giữa tâm dịch
Dù phải chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng năm 2021, Bình Dương vẫn tổ chức hơn 10 hội nghị trực tuyến với các nước nhằm kích cầu sự phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư và thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, các chuyến làm việc của các đoàn công tác Bình Dương tại nước ngoài trong việc quảng bá, giới thiệu đầu tư, thu hút ODA, FDI… góp phần hỗ trợ Bình Dương sớm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch COVID-19, song tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng 7,23%. Về đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2021, tỉnh đã thu hút 59 dự án mới, 23 dự án điều chỉnh vốn và 155 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn/mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,92 tỷ USD. Lũy kế đến cuối tháng 10/2021, Bình Dương hiện có 4.008 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp Bình Dương tăng 2,93%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 1,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 26,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Toàn tỉnh có 29 Khu Công nghiệp tập trung và 10 Cụm Công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy chiếm 87%. Bình Dương có nhiều Khu Công nghiệp lớn như Việt Nam - Singapore, Khu Công nghiệp Mỹ Phước, Sóng Thần… đã trở thành thương hiệu trong nước và quốc tế, góp phần giúp tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư và chọn Bình Dương làm nơi đặt nhà máy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Đề án thành phố thông minh Bình Dương đã gặt hái được những kết quả mang tính nền tảng, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh, đặc biệt bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước định vị lại vị thế Bình Dương trên trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nhiều năm qua, tỉnh chủ yếu hình thành các nhà máy chuyên về gia công do công nhân lao động phổ thông làm việc. Nhưng hướng tới “sân chơi” cao hơn, thông minh hơn, nhà máy sản xuất có hàm lượng công nghệ cao hơn với đội ngũ lao động có tay nghề cần được quan tâm hơn. Thêm một bước nữa, thu hút các dự án công nghệ cao phải đi đôi với nguồn nhân lực đào tạo có chất xám như kỹ sư, tiến sĩ, chuyên gia… góp phần vào phát triển kinh tế có giá trị cao.
Với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt hơn 20 năm qua, đồng thời luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Hầu hết nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm lực về tài chính và công nghệ gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã tham gia xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương. Những giá trị từ nguồn lực FDI giúp hình thành nên chuỗi sản xuất và xuất khẩu, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thông tin, để đón đầu làn sóng đầu tư khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh đã chủ động tổ chức các cuộc làm việc với nhà đầu tư nhằm xúc tiến đầu tư, giới thiệu và tìm kiếm địa điểm, hướng dẫn thủ tục triển khai các bước cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tỉnh luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại.
Ưu tiên dự án công nghệ cao
Bình Dương xây dựng khá thành công với những mô hình mẫu phát triển Khu Công nghiệp tập trung và thu hút đầu tư tại phía Nam của tỉnh gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Hiện Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được xem là đột phá trong giai đoạn phát triển mới, qua đó tỉnh lấy khoa học - công nghệ làm trung tâm. Cụ thể, tỉnh lấy Khu Công nghiệp công nghệ cao Bàu Bàng để xây dựng thành mô hình điểm về môi trường thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động và sản xuất giá trị kinh tế cao.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, tỉnh đang chuyển hướng thu hút đầu tư và sẽ có chọn lọc những dự án công nghệ cao, ít sử dụng lao động và những dự án tạo ra giá trị kinh tế gia tăng cao sẽ được ưu tiên vào các Khu Công nghiệp… Sau những thành công trong thu hút vốn FDI, tỉnh đang triển khai thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo. Tỉnh xác định công nghiệp là ngành phát triển chính, vì thế trong giai đoạn tới tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp.
Những năm gần đây, Bình Dương đã tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài xây dựng và triển khai Đề án thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là dự án Khu Công nghiệp khoa học công nghệ với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện tỉnh đã khởi động Khu phức hợp trong lòng Thành phố mới, tạo một điểm nhấn về dịch vụ thương mại; chính thức được gia nhập vào Hiệp hội các Trung tâm thương mại Thế giới. Tỉnh đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển mới, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, từ nay đến năm 2030 biến Bình Dương thành Vùng đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, dựa trên nền tảng sẵn có, hoạch định chiến lược lớn hơn của Bình Dương là xây dựng những Khu Công nghiệp công nghệ làm vùng đổi mới sáng tạo để thu hút đầu tư các dự án có chất xám với hàm lượng sản xuất giá trị kinh tế sản phẩm hàng hóa cao hơn; giảm thâm dụng lao động. Đây là định hướng tầm nhìn tương lai đã được lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng tình rất lớn.
Đề án thành phố thông minh được xem là cơ sở để Bình Dương xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn và huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, phát triển kinh tế, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động, đời sống và môi trường làm việc cho người dân. Mục đích là tạo ra những giá trị mới và thực sự lớn hơn theo kế hoạch định hướng trong 5 -10 năm tới để đáp ứng yêu cầu mới của tỉnh.
Tỉnh đang thực hiện truyền thông và định vị thương hiệu Bình Dương thông qua Đề án thành phố thông minh và các dự án cụ thể, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư thời kỳ mới. Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ, kết nối liên vùng, hạ tầng Khu Công nghiệp từng bước hoàn thiện, cơ chế, chính sách thông thoáng và chiến lược phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, Bình Dương đã và đang nỗ lực để xây dựng thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến được tỉnh chủ động thực hiện liên tục đã khẳng định quyết tâm giữ vững vị trí, thương hiệu thu hút đầu tư của Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bình Dương luôn luôn đổi mới, sáng tạo vì người dân, doanh nghiệp tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.