Theo nhận định của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, trong tháng 10 và tháng 12, khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường ở mức cao. Các đợt triều cường trong tháng 11 nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam, khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển, vùng ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều tại các tỉnh Nam Bộ sẽ có nguy cơ ngập, lụt.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, triều cường năm 2023 có khả năng ở mức khá cao và cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, các tỉnh, thành ở vùng giữa và vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long cần lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường và lũ kết hợp triều cường.
Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận được dự báo là 2,1m, có khả năng các bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa ở lưu vực sông Mekong kết hợp với triều cường gây ngập úng ở vùng ven sông, vùng trũng thấp.
Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các cấp, ngành, địa phương theo dõi chặt diễn biến khí tượng thủy văn, tình hình ngập úng để thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến người dân để chủ động ứng phó. Tỉnh tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là các công trình đê bao, các công trình xuống cấp không đảm bảo chống lũ gây ngập úng khi mực nước vượt mức báo động 3.
Trên cơ sở dự báo, tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản lũ, triều cường xảy ra gồm: Trường hợp lũ nhỏ, triều cường ở mức thấp xấp xỉ báo động 3. Trường hợp lũ lớn, triều cường vượt báo động 3 với cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp độ 2 nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa lũ. Các kịch bản nhằm đảm bảo sản xuất cho hơn 68.200 ha cây lâu năm, hơn 35.000 ha lúa Thu Đông 2023, gần 20.000 ha rau màu vụ Mùa đã xuống giống, 40.000 ha lúa và 23.800 ha rau màu vụ Đông Xuân 2023-2024; cùng với đó là 230 ha ao, hầm đang thả nuôi thủy sản.
Theo kế hoạch, với trường hợp lũ lớn, triều cường vượt báo động 3 với cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp độ 2, toàn tỉnh sẽ có 66 vùng kém an toàn với diện tích 22.570 ha; khoảng 69 tuyến bờ bao, đê bao với tổng chiều dài 194.044 m, bảo vệ cho 11.430 ha đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh bị xuống cấp có thể bị tràn trong mùa lũ cần được đầu tư, sửa chữa trong thời gian tới.
Để ứng phó, tỉnh tập trung vận hành hệ thống các công trình thủy lợi, cống giao thông hiện có và các công trình đã thực hiện hoàn thành trong kế hoạch đầu tư năm 2023; đóng các cống, bọng khi mực nước đến mức báo động 3, ưu tiên cho vùng còn diện tích lúa, rau màu trên đồng, khu trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản và khu dân cư tập trung. Đồng thời, tỉnh tổ chức chống tràn tại các tuyến đê bao, đường giao thông hạn chế thấp nhất ngập trong vùng đê bao và tại các tuyến đường ở các đô thị.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến và dự báo lũ, triều cường thông qua hệ thống tin nhắn SMS và các phương tiện thông tin đại chúng đến tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư vùng ảnh hưởng ngập lụt để kịp thời tổ chức ứng phó.