Huyện Bình Tân có 10 đơn vị hành chính gồm 9 xã, 1 thị trấn, với diện tích tự nhiên là 158,1 km2, dân số hơn 95.700 người. Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn, với quyết tâm chính trị cao cùng với sự đồng thuận chung sức chung lòng của nhân dân, đến nay huyện Bình Tân đã hoàn thành 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Bình Tân Nguyễn Văn Tập cho biết, Bình Tân triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong điều kiện một huyện nông nghiệp có điểm xuất phát thấp về kinh tế, cũng như nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế; chất lượng nhân lực thấp, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng lợi thế vai trò vị trí tiềm lực. Với định hướng phát triển đồng bộ, đến nay chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn đã đưa cuộc sống người dân nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ cấu kinh tế đa dạng, thương mại dịch vụ phát triển. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2021 đạt 51,1 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,6 lần so với năm 2011.
Trong 10 năm qua, huyện Bình Tân đã huy động gần 12.203 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp gần 290 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn, huyện đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 107 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 245,52 km; xây mới 35 cầu giao thông nông thôn dài 1.050m. Hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới, tiêu chủ động 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hiện 99,94% hộ dân nông thôn có điện sử dụng đã giúp sản xuất đời sống người dân thay đổi rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, khoai lang là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 10.000 ha; ước sản lượng trung bình khoảng 300.000 tấn. Hiện, trên địa bàn huyện có các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các vựa khoai chuyên thu mua và cung cấp ra thị trường với sản lượng trung bình từ 25.000 - 29.000 tấn/tháng.
Thực hiện tiêu chí môi trường về xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, huyện Bình Tân đã hình thành được 39 tuyến đường hoa với tổng chiều dài hơn 76,3 km; 16 tuyến đường trên địa bàn các xã được đầu tư, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên theo phương thức nhà nước, nhân dân cùng làm; đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước sạch cho trên 91% hộ dân trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, huyện Bình Tân quyết tâm giữ vững, nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời lưu ý huyện Bình Tân tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo môi trường và nhu cầu của người dân, lấy đời sống, thu nhập của người dân làm trọng tâm, đảm bảo đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đạt trình độ, chất lượng cao hơn. Đồng thời, huyện phát huy sức mạnh, sáng tạo của toàn thể nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân hiểu rõ hơn nữa vai trò vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Bên cạnh đó, huyện Bình Tân tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, huyện thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất, cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn sản xuất với thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long lưu ý huyện Bình Tân thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, để phát triển toàn diện, bền vững hơn, nhất là phát triển công nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; tranh thủ, huy động tổng thể nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, huyện chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thành lập, phát triển doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có 66/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2/7 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị, đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp.