Trà Vinh: Rà soát từng dự án đầu tư công theo tiến độ thực tế

UBND tỉnh Trà Vinh vừa chỉ đạo các chủ đầu tư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn.

Chú thích ảnh
(Ảnh tư liệu) Công trình nâng cấp mở rộng đường Hùng Vương, (đoạn từ cầu Long Bình 1 đến Lê Lợi) do UBND thành phố Trà Vinh làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng.

Cụ thể, trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư dự án phối hợp chặt với chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; khẩn trương bàn giao ngay mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Đối với các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Với các dự án đang trong thời gian lựa chọn nhà thầu thi công, khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, cần khẩn trương ký kết hợp đồng thi công và bàn giao ngay mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công; các dự án đang thực hiện bước thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khẩn trương phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, sớm trình thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng thi công.

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chủ đầu tư chủ động đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành vượt tiến độ hoặc đúng theo tiến độ hợp đồng ký kết để sớm đưa dự án vào sử dụng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Trường hợp vi phạm hợp đồng lần 2 do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu, đề xuất cấp thẩm quyền chấm dứt hợp đồng để lựa chọn đơn vị khác thực hiện theo quy định hiện hành và đăng trên cổng thông tin đấu thầu theo quy định.

Các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình triển khai thực hiện từng dự án theo tiến độ thực tế, dự kiến khả năng giải ngân vốn của từng dự án đến cuối năm 2023 để đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, điều chuyển vốn nội bộ của đơn vị cụ thể theo từng nguồn vốn được giao từ các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn, các dự án giải ngân chậm sang các dự án khác giải ngân hết vốn được giao có nhu cầu bổ sung thêm vốn để thanh toán khối lượng dự án hoàn thành hoặc các dự án cần bổ sung vốn thanh toán theo tiến độ hợp đồng thực hiện để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Các chủ đầu tư cũng ghi rõ số vốn đề xuất cắt giảm để điều chuyển sang cho các dự án khác có nhu cầu bổ sung vốn hoặc trả ngân sách và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất đến hết ngày 10/9/2023 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về sự chậm trễ rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chuyển, trả vốn không kịp thời dẫn đến cuối năm giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao do yếu tố chủ quan và dự án bị hủy vốn theo quy định của Luật Ngân sách.

Lãnh đạo UBND tỉnh lưu ý, chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiệm thu khi khối lượng đạt yêu cầu. Trong 5 ngày kể từ ngày nhận được khối lượng nghiệm thu, chủ đầu tư phải làm thủ tục thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán ngay cho các nhà thầu theo quy định. Đồng thời, tránh trường hợp để dồn khối lượng hoàn thành nhiều đợt mới làm hồ sơ thanh toán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.

Theo báo cáo UBND tỉnh Trà Vinh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh trên 4.760 tỷ đồng; đến ngày 18/8, toàn tỉnh giải ngân mới đạt tỷ lệ 44,1% kế hoạch vốn. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân, như: vướng giải phóng mặt bằng; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng; công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới năm 2023 còn chậm; năng lực nhà thầu hạn chế; một số chủ đầu tư dự án còn chủ quan trong triển khai thực hiện dự án...

Tin, ảnh: Thanh Hoà (TTXVN)
11 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 40%
11 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 40%

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 của cả nước tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, vốn trong nước đạt trên 43%; vốn nước ngoài đạt 25,95%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN