Dồn sức xây dựng nông thôn mới
Xã Long Sơn là một trong 8 xã đặc biệt khó khăn của huyện Cầu Ngang. Tuy nhiên, đến Long Sơn dịp lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer năm nay, mọi người đều thấy rõ sự đổi mới trên vùng quê nghèo với không khí đón lễ của người dân rộn ràng hơn mọi năm. Những con đường liên ấp lầy lội trước đây được bê tông hóa; nhiều ngôi nhà mới khang trang được “mọc lên”. Đây là xã cuối cùng của huyện Cầu Ngang (13/13) đạt chuẩn nông thôn mới.
Gia đình bà Thạch Thị Sô Kha, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang từng là hộ nghèo; chỉ có 0,2 ha đất trồng lúa mỗi năm sản xuất 3 vụ nên thường xuyên rơi vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Nhờ được chính quyền địa phương tạo điều kiện, năm 2018 gia đình bà được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ độc canh cây lúa, bà Kha chuyển sang trồng màu và nuôi bò sinh sản. Nhờ cây màu cho lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần so với cây lúa cùng với nguồn thu nhập từ chăn nuôi nên kinh tế gia đình bà ngày càng phát triển, xây dựng được nhà khang trang. Đến năm 2020, gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Năm nay, gia đình bà chuẩn bị lễ vật cúng tạ ơn thần mặt trăng khá tươm tất và tiếp tục nguyện cầu năm tới, thời tiết thuận lợi, cuộc sống no đủ.
Cầu Ngang là huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh có dân số trên 142.000 người; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 37%. Huyện có xuất phát điểm rất thấp, với 1 xã bãi ngang và 8 xã đặc biệt khó khăn vào năm 2010. Tuy nhiên đến nay, sau 12 năm hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 13/13 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt 62,4 triệu đồng/người/năm, tăng gần 50 triệu đồng/người/năm so với cuối năm 2010. Hiện Cầu Ngang đang dồn sức hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là huyện nông thôn mới vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho rằng, có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được lồng ghép, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, chợ nông thôn… phát triển đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân. Với nền kinh tế chủ lực là nông nghiệp, để giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, huyện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái… Địa phương luôn ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng các sản phẩm thế mạnh của huyện.
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế đặc thù, Cầu Ngang bố trí 5 tiểu vùng sản xuất. Theo đó, tương ứng với mỗi tiểu vùng, huyện xác định cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực để tập trung các giải pháp phát triển phù hợp. Đối với những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện vận động nông dân chuyển đổi sang các cây trồng, vật nuôi khác hoặc nuôi thủy sản để cải thiện thu nhập. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi gần 5.500 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hoặc kết hợp nuôi thủy sản, chuyên nuôi thủy sản… cho lợi nhuận cao gấp 5 lần/vụ so với trồng lúa trước đó…
Gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc
Cùng với việc quan tâm đời sống vật chất, tỉnh Trà Vinh luôn chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer. Các lễ hội và văn hóa của đồng bào Khmer đều được giữ gìn và phát huy.
Sau 1 năm tạm ngưng tổ chức do ảnh hưởng dịch COVID-19, dịp Ok Om Bok năm nay, UBND tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng lễ hội với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc nhằm tạo điều kiện để đồng bào Khmer trong tỉnh được vui chơi, giải trí và gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đây là lễ hội truyền thống, quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo đó, từ ngày 2-8/11, tại Trà Vinh diễn ra Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với lễ hội Ok Om Bok quy mô cấp tỉnh, mở rộng các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với chuỗi 16 hoạt động phong phú, sôi nổi. Tiêu biểu như Chương trình đêm Lễ hội Ok Om Bok; không gian bánh dân gian và ẩm thực tỉnh Trà Vinh; hội thảo liên kết du lịch và giới thiệu tuyến điểm du lịch mới của tỉnh; hội chợ xúc tiến thương mại và công nghiệp nông thôn; hội chợ giới thiệu, tôn vinh sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Trà Vinh; các gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer của 9 huyện, thị xã, thành phố; triển lãm hình ảnh, triển lãm trang phục đồng bào dân tộc, triển lãm sách; liên hoan Múa không chuyên dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2022; đua ghe Ngo cùng nhiều hoạt động thể thao khác… Đây cũng là dịp để Trà Vinh quảng bá, giới thiệu đến nhân dân trong và ngoài tỉnh nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer địa phương; giới thiệu các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch của tỉnh.
Cùng với chuỗi hoạt động này, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.