Trước đó, trong năm 2022, Tiền Giang đã có thêm trên 1.000 hộ được công nhận thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,27% so tổng số hộ toàn tỉnh.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, Tiền Giang đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn cũng như tích cực hỗ trợ hộ nghèo về vốn liếng, kỹ thuật phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đồng thời tăng cường giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghề, giúp người lao động có thêm công ăn việc làm, thu nhập cho kinh tế hộ…
Ông Lý Văn Cẩm cho biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 bao gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… hướng tới các mục tiêu cụ thể như: giúp bà con phát triển sản xuất, mở mang kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn.
Song song đó, địa phương quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt là phát huy vai trò các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hinh chuỗi giá trị, mở mang ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực. Qua đó, thiết thực giúp lao động nghèo có thu nhập ổn định, tạo tiền đề vượt khó, thoát nghèo và vươn lên tạo dựng cơ nghiệp.
Tỉnh chú trọng đa dạng hóa các mô hình sinh kế theo nhu cầu xã hội và trình độ người lao động trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương vừa phù hợp mục tiêu hướng tới của Chương trình giảm nghèo bền vững, Trong đó, trên lĩnh vực nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ thâm canh, trợ giúp vốn liếng sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho bà con có nhu cầu cùng những hỗ trợ khác theo quy định.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hữu quan xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả qui mô nông hộ như: VAC, VACR, hoặc liên kết sản xuất giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân hưởng lợi, góp phần giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.
Ngoài ra, Tiền Giang tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về chung tay thúc đẩy giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các gương điển hình, những sáng kiến hay, mô hình tốt về giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Qua đó, nhân rộng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo trong người dân và cộng đồng. Thiết thực góp phần huy động tốt các nguồn lực xã hội thực hiện đạt kết quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.