Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW: Đà Nẵng đạt nhiều kết quả quan trọng

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đến thời điểm này, Đà Nẵng đã đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nỗ lực vào cuộc 

Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW là văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo. 

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, Thành ủy Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, UBND thành phố cũng xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai 10 chương trình thuộc nhiệm vụ của UBND thành phố, bao gồm 525 nhiệm vụ. 
UBND thành phố cũng khẩn trương, chủ động phối hợp các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương để triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, với sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, các sở, ngành liên quan đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Cụ thể, 100 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 19%; chưa hoàn thành theo tiến độ 8 nhiệm vụ, tỷ lệ 1,5%; dừng triển khai 6 nhiệm vụ, tỷ lệ 1,1%; đang triển khai 411 nhiệm vụ, tỷ lệ 78,2% (trong đó có 200 nhiệm vụ thường xuyên hằng năm).

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng hội kiến Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino
và Công nương Kiko. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Nhiều nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành đúng tiến độ, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW giai đoạn 2021-2030.  Cụ thể, sau khi Thủ tướng Chính đã phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và giao các ban quản lý dự án, UBND huyện Hòa Vang tổ chức lập điều chỉnh phân khu; giao 4 sở và 3 ban quản lý dự án chủ trì thực hiện tổng cộng 9 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; giao Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị, lập khu vực phát triển đô thị trong các năm 2021-2022…

Nhiều lĩnh vực đạt kết quả nổi bật

UBND thành phố  đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện quyết liệt 10 kế hoạch ở nhiều lĩnh vực quan trọng; chỉ đạo các sở chuyên ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các quy hoạch lớn, mang tính chiến lược.

UBND thành phố cũng phê duyệt đề án xây dựng mô hình và dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030; tích hợp Hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030 vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; hoàn thành xây dựng phần mềm “Hệ thống quản lý giám sát các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao”.

Cùng với đó, nhiều đề án được ban hành như: Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng Quận thông minh tại quận Liên Chiểu, Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số thành phố giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 trong giai đoạn 2022-2025.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thực hiện nghi thức khởi công công trình Đường ven biển
nối cảng Liên Chiểu. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Với sự quan tâm, đầu tư của thành phố, hiện nay, ngành công nghiệp công nghệ thông tin địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Năm 2021, ngành đạt tăng trưởng 10,47% và đóng góp 8,27% GRDP thành phố. Năm 2022, tỷ lệ đóng góp ước khoảng 12,85% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đến năm 2025; kinh tế số năm 2022 đóng góp hơn 17% GRDP thành phố; 6 tháng đầu năm 2023 GRDP ngành thông tin và truyền thông ước tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022.

Đối với lĩnh vực du lịch, UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua và triển khai Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, tập trung truyền thông, quảng bá, xúc tiến các thị trường du lịch Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh - Đức - Hà Lan, Nhật Bản, Singapore...; khôi phục các đường bay quốc tế, tổ chức thành công Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022…

Cùng với đó, thành phố ban hành và chỉ đạo triển khai Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với nhiều đề án mang tính đột phá khác. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm chính sách thu hút khách du lịch MICE đến Đà Nẵng.
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án tạo sản phẩm du lịch mới để khôi phục hoạt động du lịch; sớm hoàn thành các thủ tục triển khai đầu tư, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, động lực phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. 

Đồng thời, ưu tiên dành quỹ đất đầu tư hạ tầng xây dựng các trung tâm logistics, kho phân phối gần các điểm giao thông vận tải trọng yếu, đầu mối giao thông; tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Đà Nẵng với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới...
Nguồn vốn để phát triển theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cần được quan tâm bố trí, trong đó ưu tiên tăng nguồn vốn đầu tư công đạt 5% tổng đầu tư cho nông nghiệp…

PV
Đà Nẵng vào top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024
Đà Nẵng vào top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024

Ngày 17/11, thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, Tạp chí Du lịch danh tiếng của Mỹ Condé Nast Traveller công bố loạt danh sách những điểm phải đến trên khắp thế giới vào năm 2024, trong đó Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt top châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN