Đặc biệt, đời sống người dân được nâng lên; nhiều hộ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; được phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Những kết quả nổi bật
Ngày 1/1/2004, thời điểm Lai Châu mới được chia tách, thành lập với bộn bề khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất của cả nước, song những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, phải kể đến, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm trung bình 3,4%/năm, huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 23,88% (năm 2023). Thu nhập bình quân đầu người đạt 47,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%.
Song song với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương, có được thành quả trên là nhờ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình hành động và các nghị quyết chuyên đề, đề án với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm, bố trí nguồn lực để thực hiện quyết liệt. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai khá toàn diện, đầy đủ. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và vận động người dân cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Đảng bộ các cấp đều ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững; bộ máy chỉ đạo điều hành được thành lập để tham mưu triển khai các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực, tăng cường trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ về giảm nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, tầng lớp dân cư nhất là người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo; đồng thời tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo.
Linh hoạt các giải pháp
Là địa phương ra khỏi danh sách huyện nghèo, Than Uyên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2016-2020, huyện vận dụng linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 45,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,24%.
Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Nguyễn Văn Thăng cho biết, các cấp, ngành, địa phương trong huyện tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới người dân về các chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Qua đó, bà con giúp đỡ nhau cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Nậm Nhùn là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tương đối cao. Tuy nhiên, với việc lựa chọn hướng đi đúng cùng quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền huyện trong công tác giảm nghèo đã mang lại kết quả khả quan với tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình giảm 5-7%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Hà Văn Sơn cho hay, huyện chú trọng đưa ra các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình mô hình kinh tế, hỗ trợ các hộ nghèo tổ chức các lớp tập huấn về phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kỳ vọng vào mô hình trồng xoài Đài Loan của gia đình sẽ cho thu nhập khá, ông Mào Văn Dũng (bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) chia sẻ, được hỗ trợ từ chính sách giảm nghèo, gia đình ông và một số bà con trong bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, sản xuất, chăn nuôi. Các hộ dân được hỗ trợ giống xoài Đài Loan để trồng, cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật nên bước đầu việc chăm sóc cây xoài thuận lợi, cây sinh trưởng tốt.
Chú trọng giảm nghèo bền vững
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và mang tính bền vững, tỉnh Lai Châu thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất... Trong đó, tỉnh vận dụng linh hoạt hỗ trợ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương giao giai đoạn 2021-2025 là hơn 6.304 tỷ đồng, đến nay đã giao gần 4.649 tỷ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết, các nguồn lực này dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn vốn này, tỉnh đã thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình mới và duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí...
Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh thực hiện công khai cơ cấu các nguồn kinh phí đầu tư đối với các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn để người dân thảo luận, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của. Địa phương thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động; làm tốt công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng như vận dụng linh hoạt các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương đã giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, góp phần đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.