Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân đã phát biểu thảo luận tập trung vào một số nội dung như: Tình hình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, phát triển doanh nghiệp năm 2024, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế đặt ra; thảo luận, giải đáp kiến nghị đề xuất về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển…
Các vấn đề như khó khăn để tiếp cận đất đai thực hiện dự án, bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển đổi mục đích rừng; hạ tầng truyền tải điện chưa được đầu tư tương xứng; thủ tục hành chính, chính sách về sản xuất, xuất nhập khẩu chè; đơn giá, vật liệu xây dựng, quản lý đô thị…. được đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân đưa ra, trao đổi, kiến nghị tại hội nghị với UBND tỉnh, huyện cũng như các cơ quan chức năng.
Về những vấn đề này, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Lai Châu, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cũng đã giải đáp các kiến nghị, đề xuất và ghi nhận các ý kiến để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, doanh nhân và giao cho các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chủ động nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền thì tham mưu UBND tỉnh giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các hội doanh nghiệp; Liên minh Hợp tác xã trong tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức hội; chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, hội viên; thường xuyên trao đổi thông tin, tiếp tục xây dựng phản ánh, bổ sung chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nâng cao vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, giải quyết tranh chấp, là chỗ dựa, là nơi phản ánh các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chúc các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân luôn tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển bền vững.
Thời gian qua, doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển về số lượng và hiệu quả kinh doanh, đã có những đóng góp rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã có 2.100 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 9 tháng năm 2024, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đóng góp trên 74,2% nguồn thu ngân sách của tỉnh (khoảng 1.235 tỷ đồng); trong đó, doanh nghiệp khu vực tư nhân và hợp tác xã đóng góp 1.208 tỷ đồng, tạo việc làm cho 21.375 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp đã cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực, phấn đấu đưa tỉnh Lai Châu từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Đặc biệt, sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực như duy trì tốc độ tăng trưởng qua các thời kỳ; quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Đến năm 2024, cơ cấu các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - thuế sản xuất lần lượt là: 13,3% - 44,2% - 36,5% - 6%.
Dịp này, 8 tập thể, 12 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vì có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024; 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.