Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là sự hội tụ của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng 4.0, hội tụ trong mình cả 4 sức mạnh của thời đại. Sử dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững. Bộ trưởng đề nghị tỉnh bám sát hướng dẫn của Bộ để xây dựng, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025, ưu tiên ứng dụng công nghệ số đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành của địa phương lên môi trường điện tử. Tỉnh triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số của cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đặc biệt lưu ý các chỉ số còn hạn chế...
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ khẳng định, những năm qua, Lai Châu luôn quan tâm đến phát triển lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số. Tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành thể chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Tuy nhiên, công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Lai Châu so với các tỉnh, thành phố những năm gần đây đều đứng ở thứ hạng trung bình, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ thông tin truyền thông từ tỉnh đến huyện còn thiếu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết, thực hiện công tác chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hiện, trên địa bàn tỉnh, sóng điện thoại di động băng rộng được phủ cơ bản rộng khắp các khu vực dân cư; sóng 5G đã được Viettel Lai Châu triển khai từ tháng 5/2024; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển nhanh.
Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng từ cấp tỉnh đến các thôn, bản, tổ dân phố. Chính quyền số được triển khai góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính quyền của tỉnh: 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp được triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành liên thông 4 cấp (Trung ương - Tỉnh - Huyện - Xã). Tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến tăng cao.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn, Lai Châu đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, hỗ trợ tỉnh về chuyên môn trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông; hướng dẫn cụ thể cách xác định, đánh giá một số chỉ tiêu về kinh tế số - xã hội số tại địa phương...
Tỉnh đề nghị quan tâm đầu tư bổ sung trạm BTS 5G cho thành phố Lai Châu và một huyện trọng điểm du lịch để người dân được trải nghiệp dịch 5G, thúc đẩy được dịch vụ du lịch phát triển; nghiên cứu chương trình hỗ trợ smartphone và gói cước data cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để phổ cập smartphone; cung cấp tài liệu về chuyển đổi số một cách bài bản, phù hợp…
Tại buổi làm việc, thành viên trong Đoàn công tác và các đại biểu của tỉnh đã trao đổi, thảo luận các nội dung, trong đó tập trung giải quyết những khó khăn như mở lớp đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin bằng các hình thức phù hợp; hỗ trợ về hạ tầng chuyển đổi số; kịp thời hỗ trợ xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành Trung tâm an toàn thông tin tỉnh Lai Châu...
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Đoàn công tác đã dự lễ khai trương Trung tâm Giám sát, an ninh mạng và Điều hành thông minh tỉnh Lai Châu.