Bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực
Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, tỉnh Phú Yên tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 . Gần 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 60.000 đồng bào của 32 dân tộc thiểu số tại tỉnh tham dự.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên của tỉnh quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Địa phương cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở phải được giải quyết kịp thời; góp phần tạo sự đồng thuận tại thôn, bản, cụm dân cư. Các ngành và địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương mong rằng, đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, ra sức thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.
Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân tộc từ nay đến năm 2029 là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo và phát triển bền vững. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2029 gồm: thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số từ 70-73 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm xuống dưới 12%; 60% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% thôn, buôn có nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng.
Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Phú Yên, để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục gìn giữ những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ một số phong tục tập quán lạc hậu, quan tâm lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Phú Yên kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tại Đại hội, nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 được khen thưởng. Trong đó: 3 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 tập thể và 5 cá nhân nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc; 9 tập thể và 18 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh Phú Yên; 4 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”.
Đoàn kết, phát huy nội lực
Phiên chính thức của Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số lần thứ IV với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, tiềm năng để phát triển bền vững”diễn ra tại thành phố Đà Lạt với 250 đại biểu tham dự, đại diện cho trên 378.000 đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Lâm Đông.
Đại hội là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2019 - 2024. Đồng thời, đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới.
Đại hội cũng thông qua quyết tâm thư trong giai đoạn 2024-2029 với tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển toàn diện và bền vững với nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, có quyết tâm củng cố tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể vững mạnh; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trong vùng dân tộc thiểu số từ 84-87 triệu đồng (bằng 70% thu nhập bình quân của tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2 - 3%/năm; giải quyết cơ bản vấn đề về ổn định dân di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất; thực hiện quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, 75% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng…
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, đại hội cũng chỉ ra các giải pháp như ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, huy động tổng hợp các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là tăng cường phát triển kinh tế, đẩy nhanh công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào vùng dân tộc; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ, đồng bào các dân tộc cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết và quyết tâm vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Các dân tộc anh em cùng chung sống, làm việc và học tập trên địa bàn tỉnh cần đoàn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển, không để bất kỳ thế lực nào chia rẽ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với tổng dân số toàn tỉnh đến hết năm 2023 là 1.543.239 người. Trong đó, có 378.714 dân tộc thiểu số (chiếm 24,54% dân số toàn tỉnh) gồm 47 dân tộc anh em. Giai đoạn 2021 - 2025, cùng với nguồn lực đầu tư chung để phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, tổng nguồn lực đầu tư dành riêng cho vùng dân tộc thiểu số là 1.264,8 tỷ đồng được Trung ương phân bổ đủ và ngân sách địa phương đảm bảo tỷ lệ đối ứng 15%.
Nhờ nguồn lực này, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 97% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được dùng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 93% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đúng độ tuổi đến trường đạt 89%.Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5% so với năm 2019). Đồng bào các dân tộc cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; toàn tỉnh có 76/78 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, giai đoạn 2019 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 2-3%/năm.