Năm 2022, với nguồn vốn bố trí cho dự án được đảm bảo, hiện nay, việc thi công đang được đẩy nhanh, người dân địa phương kỳ vọng, dự án sẽ không tiếp tục "lỡ hẹn" thời gian về đích trước năm 2025.
Qua nhiều năm thiếu vốn
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc có chiều dài hơn 16 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A tại thị trấn Phong Điền và điểm cuối tại bãi biển xã Điền Lộc. Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ đầu tư dự án, nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ là do trước đây, dự án được bố trí nguồn vốn từ Chương trình xây dựng các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn của Trung ương. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có nghị quyết siết chặt đầu tư công, dự án này nằm trong diện phải tạm hoãn, tạm dừng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cân đối bố trí các nguồn vốn nhưng "nhỏ giọt" để thi công một số hạng mục trước mắt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Thời gian gần đây, dự án mới được bố trí vốn trong Chương trình đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn.
"Dự án có tổng mức đầu tư gần 672 tỷ đồng, hiện nay, nguồn vốn bố trí cho dự án là 436 tỷ đồng và đã giải ngân 382 tỷ đồng. Riêng năm 2022, dự án được bố trí 94 tỷ đồng và đã giải ngân được 40 tỷ đồng. Dự án hiện đã hoàn thành thi công được đoạn tuyến dài khoảng 6 km, nhiều đoạn tuyến còn lại trước đây thi công dở dang nay đang được đẩy nhanh tiến độ các hạng mục như nền đường, cống thoát nước ngang, làm mặt đường bê tông… Việc sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, tạo hạ tầng giao thông thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào khu vực ven biển của huyện Phong Điền", Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cường cho biết.
Trên tuyến đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc có 5 cây cầu, hiện đã hoàn thành cầu Thiềm và cầu Bàu Bàng. Cầu Hòa Xuân 2 đã hoàn thành đúc 16/16 dầm cầu và đang thi công mố trụ cầu; cầu Hòa Xuân 1 có chiều dài lớn nhất với hơn 180m bắc qua sông Ô Lâu nằm ở đoạn cuối của tuyến hiện hoàn thành đúc 26/40 dầm, cả hai cây cầu này phấn đầu hoàn thành trong năm 2022. Đặc biệt, trên tuyến có cầu vượt đường sắt có chiều dài hơn 66m, khổ cầu 31m; trong đó đơn nguyên phải đang được tái thi công trở lại từ tháng 5/2022 sau 8 năm thi công dở dang.
Anh Nguyễn Xuân Tài, Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt cho biết, để đảm bảo chất lượng công trình cầu vượt đường sắt sau thời gian dài ngừng thi công, các hạng mục như mặt cầu, mố trụ đều được vệ sinh sạch sẽ, các thép chờ được lấy mẫu đi kiểm định chất lượng. Qúa trình thi công hiện nay, nhà thầu cũng lên phương án cụ thể vừa đảm bảo tiến độ cũng như đảm bảo an toàn, thông suốt cho các chuyến tàu hỏa Bắc - Nam chạy qua công trường. Đơn nguyên phải của cầu vượt đường sắt phấn đấu hoàn thành mặt cầu, lắp đặt lan can trong tháng 9/2022 và đợi phần đường dẫn thi công xong mới có thể phân làn để thi công hạng mục đơn nguyên trái của cầu vượt đường sắt.
Còn nhiều vướng mắc
Theo đại diện ban quản lý dự án, dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng nên rất cần giải pháp hỗ trợ để tháo gỡ.
Cụ thể, đoạn Km9+800 (Tỉnh lộ 4) – Km12+938 (Quốc lộ 49B), có nền đất yếu với chiều sâu lớn nên cần phải đào bỏ từ 0,5 - 1m và thay bằng cát đắp K95. Số lượng cát cần đắp khoảng 20.000 m3, tuy nhiên hiện nhà thầu chưa tìm được nguồn cát để khai thác phục vụ thi công xử lý nền đường gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng trên thực địa còn một vài điểm nghẽn, do chưa xây dựng được 3 khu tái định cư (Khu tái định cư thị trấn Phong Điền, xã Phong Hiền và xã Điền Lộc) nên chưa phê duyệt được phương án đền bù cho các hộ dân. Ngoài ra, ở đoạn cuối tuyến đường thuộc xã Điền Lộc hiện đang vướng khoảng hơn 500 ngôi mộ của người dân địa phương chưa được di dời, do chưa xây dựng được hệ thống đường bê tông dẫn vào khu quy hoạch nghĩa trang mới của xã Điền Lộc.
Phó chủ tịch UBND xã Điền Lộc Trần Đình Dũng cho biết, người dân địa phương rất ủng hộ việc triển khai dự án bởi sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê vốn trước đây bị cô lập, ngăn cách với vùng trung tâm do điều kiện sông nước bao bọc. Hiện nay, xã đã bố trí quỹ đất tái định cư, mong muốn các ngành chức năng của tỉnh sớm triển khai các thủ tục hỗ trợ đền bù, sớm xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh để người dân chuyển đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.
Trước những vướng mắc trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định giao cho UBND huyện Phong Điền làm chủ đầu tư xây dựng các khu tái định cư và làm tuyến đường vào khu nghĩa trang mới. Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thẩm định hồ sơ liên quan theo quy định.
Phó giám đốc Ban quản lý Nguyễn Văn Cường cho biết thêm, dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc hiện đang thiếu khoảng 200.000 m3 đất và 20.000 m3 cát để thi công nền đường. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vật liệu đất và cát san lấp trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm do có nhiều dự án xây dựng lớn đang triển khai, nguồn cung không đáp ứng kịp. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các ngành liên quan đẩy nhanh việc cấp phép các mỏ đất mới và gia hạn giấy phép cho các mỏ đất hết hạn khai thác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng; đặc biệt cho phép gia hạn các dự án nạo vét cát ở huyện Phong Điền và tận dụng cát này để đắp xử lý nền đường của dự án.
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc khi hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ về an ninh quốc phòng mà còn tạo sự kết nối và mở rộng không gian phát triển đô thị cho huyện Phong Điền trong định hướng trở thành thị xã vào trước năm 2025.