Thu hút đầu tư vùng ven biển - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Quảng Trị

Thu hút đầu tư vào vùng ven biển đã và đang trở thành động lực cho kinh tế tỉnh Quảng Trị bứt phá với các lĩnh vực như cảng biển, hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, năng lượng.

Chú thích ảnh
Tàu hàng tải trọng lớn cập cảng Cửa Việt. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Điểm đến hấp dẫn

Tỉnh Quảng Trị có 75 km đường bờ biển; trong đó, có nhiều vùng, phân vùng thuận lợi cho thu hút đầu tư. Được thành lập năm 2015, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có diện tích gần 24.000 ha, trải dài trên địa bàn 17 xã, thị trấn ven biển thuộc 3 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm và nguồn lực lớn.

Cuối tháng 4/2022, UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) và Tập đoàn Quantum của Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư các dự án: Trung tâm công nghiệp khí và Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Theo đó Dự án Trung tâm công nghiệp khí có quy mô khoảng 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, thực hiện từ năm 2022 - 2030.

Dự án Cảng tổng hợp có quy mô khoảng 275 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD; thời gian đầu tư từ năm 2022 - 2025. Khi đi vào hoạt động cảng tổng hợp này có thể tiếp nhận các loại tàu: Tổng hợp, container, hàng rời trọng tải 100.000 tấn; tàu chở hàng lỏng như khí, gas trọng tải 180.000 tấn. Theo Chủ tịch Tập đoàn BB Group Vũ Quang Bảo, hai dự án đầu tư chiến lược này sẽ tạo đột phá về kinh tế, xã hội cho tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Cũng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và cảng biển CFG Nam Cửa Việt đang được đầu tư xây dựng. Cảng Mỹ Thủy có tổng vốn đầu tư 14.200 tỷ đồng, quy mô gồm 10 bến với tổng diện tích 685 ha, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn.

Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2025 đầu tư 4 bến có vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ năm 2032 - 2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.

Dự án Bến cảng CFG Nam Cửa Việt tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong có quy mô trên 18 ha, dự kiến toàn bộ dự án hoàn thành trước năm 2030. Dự án có quy mô 4 cầu cảng dài 510m, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn, vốn đầu tư khoảng 640 tỷ đồng. Cùng với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, cảng CFG Nam Cửa Việt phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Trị. Đồng thời, thu hút hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với các nước Lào và Thái Lan.

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Vào giữa tháng 1/2022, Tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc, Tổng Công ty Khí Hàn Quốc đã khởi công Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có quy mô 120 ha, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào các năm 2026 - 2027.

Sau khi đi vào vận hành dự án cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm, doanh thu trước thuế khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, dự kiến nộp ngân sách 1.800 tỷ đồng/năm, ngoài ra còn các loại thuế và phí khác.

Trong khi đó Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan đang triển khai xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 gồm có hai tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660MW. Dự án có tổng mức vốn đầu tư trên 55.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào vận hành trước năm 2030.

Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã có 16 dự án đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư trên 2.050 tỷ đồng; 29 dự án đang xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 142.000 tỷ đồng; 31 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư có tổng mức đầu tư gần 310.800 tỷ đồng. Ngoài năng lượng và cảng biển, khu kinh tế này còn thu hút các nhà đầu tư vào những lĩnh vực khác như: Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế tạo, đô thị.

Cú hích hạ tầng, giao thông

Chú thích ảnh
Bãi tắm Cửa Tùng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị triển khai xây dựng tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây tức Quốc lộ 9 với tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 55 km, đi qua các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Dự án tạo liên kết vùng về phát triển kinh tế biển, thu hút khách du lịch từ các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây như: Thái Lan, Lào, Myanma đến với du lịch biển Quảng Trị. Tuyến đường này cũng kết nối thành phố Đông Hà - trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh với các khu dịch vụ du lịch dọc bờ biển và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Dự án cũng tạo ra quỹ đất rộng lớn để từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch dịch vụ ở ven biển, tạo nguồn lực mới để địa phương phát triển kinh tế biển, phù hợp với chiến lược quốc gia về kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong khi đó tuyến đường ven biển chạy dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, dài 23,5km có điểm đầu ở phía Nam cầu Cửa Việt thuộc xã Triệu An, huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã hoàn thành.  Tuyến đường này có mặt đường rộng 34m, tổng mức đầu tư trên 630 tỷ đồng đã tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch ở vùng ven biển phía Nam của Quảng Trị.

Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Quốc lộ 15D kết nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối theo trục Đông – Tây.

Ở vùng ven biển Quảng Trị hiện có hai đô thị gồm: thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh và thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Theo quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh lấy Cửa Việt làm đô thị trung tâm để tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong khi đó đô thị Cửa Tùng tập trung phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa.

Đô thị ven biển đang hình thành hiện nay là ở hai xã Hải An và Hải Dương, huyện Hải Lăng nằm ở trung tâm của Khu kinh tế đông nam Quảng Trị đang thu hút nhiều dự án động lực như: cảng biển Mỹ Thủy, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng. Do đó đô thị Hải An và Hải Dương được định hướng phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng biển, công nghiệp đa ngành và logistics.

Đối với du lịch biển, tỉnh tập trung phát triển tam giác du lịch biển: Cửa Tùng – Cửa Việt – đảo Cồn Cỏ. Các bãi biển như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Mũi Trèo, Vĩnh Thái hầu như còn hoang sơ cũng mang lại lợi thế trong việc thu hút đầu tư.

Điển hình là Tập đoàn T&T đang triển khai xây dựng Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải thuộc huyện Gio Linh với tổng vốn đầu tư trên 4.470 tỷ đồng, quy mô gần 22 ha. Đây là khu du lịch ven biển tạo điểm nhấn trên tuyến du lịch Cửa Việt – Cửa Tùng.

Dự án có các hạng muc: khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp; dự kiến giai đoạn 1 của dự án hoàn thành vào quý 2 năm 2023. Sau hai năm 2020 – 2021 phải tạm dừng do dịch COVID-19, năm 2022 hoạt động du lịch tại đảo Cồn Cỏ đã được khôi phục lại. Hiện nay đã có tàu cao tốc vận chuyển du khách từ đất liển ra đảo Cồn Cỏ; đồng thời, có các dịch vụ nghỉ dưỡng, lặn biển, câu cá phục vụ du khách đến với đảo này.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Do đó, tỉnh đã và đang tập trung xúc tiến đầu tư, kết nối các tuyến du lịch với nhiều tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực để thu hút khách đến với Quảng Trị.

Nguyên Lý (TTXVN)
Quảng Trị: Chuyển biến tích cực từ chuyển đổi số
Quảng Trị: Chuyển biến tích cực từ chuyển đổi số

Nhiều lĩnh vực ở tỉnh Quảng Trị đã và đang có chuyển biến tích cực nhờ thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN