Đề án có tổng vốn đầu tư trên 51 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư trên 26 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.
Theo Đề án, không gian hoạt động của tuyến phố đi bộ gồm các đường: 16 tháng 4, Hoàng Diệu và Trần Quang Diệu, gắn với tổ chức trưng bày 77 gian hàng OCOP và ẩm thực mang đậm hương vị và đặc thù của địa phương. Không gian toàn tuyến đi bộ sẽ được phân thành 7 khu vực với các chủ đề như: Không gian thể thao giải trí quần chúng, vui chơi trẻ em, giàn phao nổi nhạc nước; cung đường di sản gốm Chăm Bàu Trúc; không gian ẩm thực...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, để tuyến phố đi bộ hoạt động và phát huy hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung rà soát, tích cực hoàn chỉnh những phần việc, nội dung có liên quan. Trong đó, tập trung sắp xếp, bố trí các gian hàng hợp lý, hài hòa; xây dựng kịch bản chương trình các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc để phục vụ người dân và du khách khi tới tuyến phố đi bộ gắn với đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo mỹ quan, môi trường…
Bên cạnh đó, các sở, ngành và UBND thành phố tích cực vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tham gia trưng bày gian hàng tại tuyến phố đi bộ để thu hút du khách tham quan, mua sắm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác quảng bá các tour, tuyến du lịch trong tỉnh để du khách biết và đến với các điểm vui chơi, giải trí.
Các hoạt động trong tuyến phố đi bộ sẽ diễn ra từ 18 giờ đến 23 giờ các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần và được tăng cường phục vụ vào các ngày lễ, tết cũng như các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương, của đất nước. UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang khẩn trương triển khai thi công một số hợp phần về hệ thống thoát nước, ánh sáng, cây xanh trang trí... Dự kiến, tuyến phố đi bộ được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 4 tới.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc triển khai và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ sẽ có tác động tích cực trong việc thu hút du khách đến với tỉnh, tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển mạnh, góp phần sớm đưa ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức thành công nhiều sự kiện có quy mô lớn, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Cùng với cách làm mới như trên, du khách trong và ngoài nước sẽ biết nhiều hơn đến vùng đất "Hội tụ những giá trị khác biệt" của Ninh Thuận. Minh chứng rõ nét là số lượt khách đến với tỉnh đều tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2023, khách tham quan, nghỉ dưỡng đến tỉnh đạt 2,9 triệu lượt, tăng 20,8% so với cùng kỳ 2022; trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt khách, tăng hơn 2 lần; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng du khách đến tỉnh tăng cao, ước đạt 99.000 lượt, tăng 17,9% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 10.000 lượt, tăng 11,6%; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 97 tỷ đồng.