Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, tỉnh luôn nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng Quốc gia. Đối với ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung nhiều nhiệm vụ như xây dựng các hệ thống dữ liệu của ngành. Thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật, xây dựng danh mục các dự án đầu tư công phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng Nai rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chính phủ điện tử, Chuyển đổi số; quan tâm đầu tư hạ tầng số, nền tảng số cơ quan, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt về chăn nuôi, từ năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Kết quả, đến nay có gần 1.200 cá nhân, tổ chức gồm: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo, thương nhân thu mua heo, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học đã đăng ký tham gia và được cấp tài khoản. Tính đến cuối tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh có hơn 47.500 con heo được truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng trong quá trình triển khai các nền tảng số vẫn còn hạn chế nhất định. Trong đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; nhân lực cho công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị còn hạn chế; một số ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhưng riêng lẻ, chưa đồng bộ và liên thông, đảm bảo chia sẻ dùng chung; phần mềm chưa được cập nhật dữ liệu thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, tỉnh được Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi năm 2023 giao là một trong những nơi tiên tiên phong trong triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc. Tỉnh rất vinh dự được sự quan tâm và tham dự của các cấp các ngành cũng như được sự phối hợp, tư vấn của các doanh nghiệp công nghệ thông tin,...
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh đã trình bày về chuyển đổi số trong ngành. Trong đó, ngành Nông nghiệp triển khai hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành http://www.vpdt-snndn.gov.vn. 100% cơ quan, đơn vị thuộc ngành thực hiện chữ ký số và văn bản điện tử. Ngoài ra, trong thời gian qua, 100% văn bản đi (trừ văn bản mật) gửi cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh đều được ký số và gửi hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua trục liên thông của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sử dụng phần mềm Egov trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển hồ sơ thủ tục hành chính giữa các bộ phận. Hiện, có 93 thủ tục hành chính thuộc 12 nhóm lĩnh vực, trong đó có 86 thủ tục được vận hành trên môi trường điện tử ở mức độ 3, 4, chiếm tỷ lệ 93% tổng số thủ tục hành chính; hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 là 1.866 hồ sơ, chiếm 98,3%.
Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Kim Phúc tóm tắt một số nội dung khái quát về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng ngành, nền tảng truy xuất nguồn gốc, thuận lợi, thách thức và vai trò của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp. Theo đó, chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số nông nghiệp và nông thôn, nông dân số.
Tiến sỹ Lâm Văn Lĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết, hiện nay trên địa bàn đã triển khai đồng bộ dữ liệu. Do vậy, cần có sự hợp tác liên tục giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục Thống kê để có phương án kết nối chung giữa các dữ liệu với nhau; đồng thời cần có các quy định về phương thức liên kết cũng như biểu mẫu, giao diện thống kê chung trong thực hiện phần mềm chuyển đổi số.
Đề cập đến việc triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, các địa phương cần xây dựng ngay kiến trúc dữ liệu chung cho ngành Nông nghiệp, xây dựng trục kết nối liên thông cơ sở dữ liệu, có sự đồng bộ từ trung ương xuống địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương tỉnh Đồng Nai trong thực hiện chuyển đổi số. Hội nghị là dịp tham vấn ý kiến của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác. Đây là cơ sở để Bộ rà soát, bổ sung, cập nhật, hoàn thiện về mặt thể chế trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.Về thực hiện truy xuất nguồn gốc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung triển khai và đang trong quá trình chọn lựa để có giải pháp đơn giản hơn nhưng quản lý được tốt hơn. Năm 2023 được chọn là năm dữ liệu quốc gia để khẳng định sự quan trọng về dữ liệu vì đây là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số. Dự kiến đến tháng 11 tới, Bộ sẽ hoàn thành được kiến trúc dữ liệu nông nghiệp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng những nội dung chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cách làm hay của các đơn vị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh quan tâm đến các vấn đề như trong công tác quản lý của Nhà nước; trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động; trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá cho nông sản. Ngành Nông nghiệp có rất nhiều nội dung cần phải làm trong chuyển đổi số. Tỉnh cũng sẵn sàng đầu tư kinh phí lớn để thực hiện chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng, từ kinh nghiệm hay trong hội nghị này, tỉnh sẽ vận dụng, triển khai phù hợp với thực tế tại Đồng Nai, mang lại hiệu quả thiết thực nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Trung ương, Tỉnh ủy đề ra trong công tác chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực Nông nghiệp nói riêng./.