Dự báo mực nước tại trạm Tà Lài (Sông Đồng Nai) tiếp tục lên nhanh, có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức xấp xỉ 113,50m vào buổi chiều ngày 4/8; cao hơn 0,50m so với mức BĐ3 (113,00m); thấp hơn khoảng 0,80m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 114,31m (quan trắc được vào ngày 22/08/1987); sau đó biến đổi chậm và vẫn ở mức cao.
Mực nước tại trạm Phú Hiệp (Sông La Ngà) biến đổi chậm, có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức 106,20 - 106,30m trong ngày 4/8; cao hơn mức BĐ2 (105,50m) 0,70 - 0,80m; thấp hơn mức BĐ3 (106,50m) 0,20 - 0,30m; thấp hơn khoảng 1,50 - 1,60m so với mực nước của trận lũ lịch sử 107,81m (quan trắc được vào ngày 01/8/1999).
Mực nước đỉnh triều cao tại trạm Biên Hòa (Hạ lưu sông Đồng Nai) có khả năng đạt xấp xỉ mức BĐ2 (2m); thấp hơn khoảng 0,20m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 2,19m (quan trắc được vào ngày 15/10/2000).
Trước hiện trạng lũ khẩn cấp, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đồng Nai cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: Những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai.
Các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường xã thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai có nguy cơ bị ngập lụt do lũ (triều cường ở hạ lưu). Cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai; vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các địa bàn lân cận.
Để chủ động ứng phó với các tình huống ngập lụt do mưa lũ và hoạt động điều tiết của Công ty Thủy điện Đồng Nai 5, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đề nghị các Thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Đồng Nai thực hiện một số nội dung quan trọng.
Theo đó, các địa phương, đơn vị chức năng cần triển khai thực hiện nghiêm túc theo các nội dung tại Văn bản số 42/PCTT ngày 31/7/2023 của BCH PCTT-TKCN tỉnh về việc theo dõi, chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, triều cường và việc xả tràn điều tiết hồ chứa Thủy điện Đồng Nai năm 2023 (lần 1).
Các địa phương, đơn vị chức năng trên địa bàn của tỉnh phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai trên các bản tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn nhanh, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn biết để chủ động phương án ứng phó với lũ gây ngập, sạt lở bờ sông, phòng tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương, đơn vị chức năng sớm huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, tránh tai nạn do bị nước cuốn trôi, rà soát, cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai xảy ra, các địa phương chủ động kiểm tra, thống kê, xác minh, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại theo quy định.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa chủ động thông báo rộng rãi qua loa, đài Phát thanh huyện, xã về tình hình mưa lũ trên địa bàn, việc xả tràn điều tiết của hồ Thủy điện Đồng Nai 5, nguy cơ ngập lụt ở vùng hạ du để người dân khu vực ven sông biết, để chủ động phòng tránh thiệt hại xảy ra. Đồng thời chủ động lực lượng, phương tiện kiểm tra, di dời, sơ tán người, tài sản của các hộ ven sông Đồng Nai, sông La Ngà ra khỏi vùng trũng, thấp có khả năng ngập sâu; di dời lồng bè nuồi trồng thủy sản đến nơi an toàn, phòng tránh thiệt hại cá chết, hư hỏng lồng bè nuôi do ngập lụt, nước chảy xiết. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước sông Đồng Nai, sông La Ngà để có biện pháp ứng phó kịp thời với các tình huống ngập lụt xảy ra.
Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa đã hư hỏng, xuống cấp các hạng mục đầu mối (đập, cống, tràn xả lũ, tràn sự cố); cử người trực ban theo dõi thường xuyên mực nước, thông báo nhanh, kịp thời tình hình xả lũ của các hồ chứa đến các địa phương vùng hạ lưu, để chủ động phòng tránh thiệt hại; điều tiết hợp lý mực nước hồ chứa để đảm bảo dung tích phòng lũ và an toàn công trình. Đối với các trạm bơm có nguy cơ ngập, tổ chức di dời máy móc, thiết bị đến nơi an toàn. Đối với các đập dâng vận hành cửa van hợp lý để đảm bảo vừa phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn cho công trình. Đối với các tuyến bờ bao tổ chức kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời các vị trí có nguy cơ gây mất an toàn khi có mưa lũ, ngập lụt, có phương án đảm bảo an toàn cho công trình, phòng chống sự cố vỡ bờ bao khi có mưa lớn xảy ra.
Các Sở, Ngành là thành viên trong Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh được phân công phụ trách các địa bàn, chủ động theo dõi, đôn đốc, các địa phương rà soát, triển khai phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân.