Trước mắt, việc chuyển đổi số trong ngành y tế của tỉnh được thực hiện trong một số lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam.
Theo đó, toàn ngành y tế tỉnh Thái Nguyên sẽ xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, phấn đấu đến cuối năm 2021 mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, làm cơ sở để kết nối liên thông với các hệ thống thông tin khám chữa bệnh, hệ thống phần mềm quản trị hoạt động trạm y tế xã, đảm bảo thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời.
Đồng thời, ngành y tế phát triển cổng sức khỏe người dân, cho phép người dân, cán bộ y tế có thể quản lý, tra cứu, thông tin sức khỏe của mình; phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội; phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng, chống COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây nhiễm khác, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức khỏe cá nhân, các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi...
Đối với các bệnh viện trên địa bàn, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên ưu tiên triển khai trung tâm điều hành bệnh viện, thu thập thông tin từ các hệ thống thông tin bệnh viện và các thiết bị y tế, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức bộ phận và triển khai hệ thống đăng ký khám chữa bệnh từ xa...
Các bệnh viện đều triển khai các hệ thống quản lý thông tin công việc, văn bản, điều hành, quản lý hoạt động tài chính, hoạt động dịch vụ, các hệ thống hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị bệnh viện, nâng cấp các phần mềm bệnh viện có thể triển khai dễ dàng, thuận tiện trên các thiết bị cầm tay như di động, máy tính bảng...
Mỗi bệnh viện đều có cây (KIOS) thông tin tại bệnh viện phục vụ công tác tra cứu thông tin khám, chữa bệnh thuận tiện tại bệnh viện. Các bệnh viện từng bước nghiên cứu sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, nhất là một số lĩnh vực: hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; hỗ trợ phẫu thuật; xây dựng hệ thống dữ liệu lớn với các thuật toán phân tích nhanh hỗ trợ ra quyết định lâm sàng dựa trên trí tuệ nhân tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các chuyên ngành sâu như: tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi...
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số, ngành y tế Thái Nguyên đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 90% trở lên; 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% công chức, viên chức ngành Y tế được tích hợp dữ liệu số với hệ thống thông tin chính quyền; 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ tỉnh đến trạm y tế xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với Quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước; tỷ lệ người dân sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh đạt trên 85%; 100% bệnh viện triển khai bệnh án điện tử và thanh toán không tiền mặt, 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với các hệ thống thống tin bệnh viện và hệ thống phần mềm quản lý trạm y tế xã...
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, cùng với việc tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo, các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên tập trung xây dựng trung tâm điều hành y tế thông minh, phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ đạo các cơ sở y tế chuyên sâu xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của chuyên ngành làm nền tảng ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực y tế, phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế; ứng dụng các công nghệ phân tích để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp; phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế; xây dựng phát triển nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ tất cả các nguồn như người dân, doanh nghiệp, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến liên quan đến thông tin y tế và thông tin sức khỏe người dân, kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu y tế, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong y tế và mạng thông tin y tế quốc gia...
Ngành tập trung xây dựng, triển khai nền tảng đăng ký tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa; xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp dữ liệu y tế cơ sở; triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử trong toàn ngành; phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, hướng tới mạng xã hội dịch vụ y tế...