Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Sau ba ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố Cần Thơ khóa X đã bế mạc chiều 8/12. Kỳ họp đã thông qua 24 nghị quyết trên các lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp tại điểm cầu chính Hội trường Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Kỳ họp cũng thông qua 9 báo cáo, 22 tờ trình và thảo luận những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong năm 2021 cũng như các giải pháp thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2022.

Kỳ họp đã dành thời gian 2 buổi để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn có phạm vi rộng liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.  

Các vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn nhiều nhất là giá nông sản xuống thấp nhưng giá vật tư đầu vào tăng cao gây khó khăn, thiệt hại cho nông dân sản xuất; các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; việc thực hiện Đề án khai thác quỹ đất thành phố; trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công triển khai chậm; giải pháp nâng cao chất lượng y tế xã, phường; công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19...

Hầu hết các câu hỏi chất vấn đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Dương Tấn Hiển và thủ trưởng các sở, ngành như ngành y tế, công thương, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, lao động thương binh và xã hội, nội vụ... trực tiếp trả lời đầy đủ, thẳng thắn.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ yêu cầu các cấp, các ngành lưu ý, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 mà trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện với lộ trình chặt chẽ, hiệu quả, sát hợp với tình hình. Các ngành, các địa phương quan tâm nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; thực hiện tốt công tác dự báo, nắm tình hình, chuẩn bị các phương án để kịp thời, chủ động xử lý khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Các ngành liên quan cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản... Đặc biệt, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện Phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn; tăng cường thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19...

HĐND tỉnh An Giang: Thông qua nhiều quyết sách về dân sinh

Chú thích ảnh
Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang, phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Ngày 8/12, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021- 2026 đã bế mạc sau 2 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm.

Kỳ họp đã thông qua 19 nghị quyết quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân và sự phát triển của tỉnh An Giang, trong đó có: Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án trọng điểm nhóm C thành dự án nhóm B và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; phê chuẩn dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương tỉnh An Giang năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2020.

Kỳ họp thông qua Nghị quyết về tổng mức vay, kế hoạch vay, trả nợ của ngân sách tỉnh An Giang năm 2022; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; danh mục dự án có thu hồi đất năm 2022; quy định mức giá một số dịch vụ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh; mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) mầm non và phổ thông công lập đối với các chương trình giáo dục đại trà năm học 2021-2022.

Bên cạnh đó, Kỳ họp thông qua Đề án thành lập thị trấn Đa Phước (huyện An Phú); giao biên chế công chức, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh năm 2022... 

Tại kỳ họp, ông La Hồng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tỉnh An Giang về những vấn đề nóng liên liên quan đến số vụ án tồn đọng, án bị hủy; đường dây đánh bạc 2.000 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn thành phố Long Xuyên; đấu tranh với tội phạm buôn lậu, ma túy; một số khó khăn, vướng mắc, sai sót trong việc cấp đổi thẻ căn cước công dân… 

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang lưu ý: Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và các nghị quyết đã được HĐND tỉnh quyết nghị tại kỳ họp, ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, các cấp, ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa hiệu quả trong phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cũng yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, đánh giá thật chính xác kết quả thực hiện tất cả chỉ tiêu của ngành, địa phương, đơn vị mình để xác định rõ những chỉ tiêu đạt thấp, khó hoàn thành kế hoạch. Từ đó có giải pháp để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong năm 2022. 

Ông Lê Văn Nưng cũng yêu cầu các UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương xây dựng giải pháp cụ thể để khôi phục hoạt động du lịch sau đợt dịch thứ 4 và tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa đảm bảo an toàn du lịch. Các đơn vị, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để chủ động phòng, chống dịch COVID-19; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi tệ nạn xã hội...

Năm 2021, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 2,15%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ (năm 2020 là 2,46%) nhưng được xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Với những kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh vừa qua, cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, An Giang đã triển khai Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất. Tại kỳ họp, UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 của tỉnh là 5,2%.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Cũng trong ngày 8/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu dân cử rất quan tâm tới tình trạng hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư, xây dựng nhà ở, bất động sản. Những vấn đề này tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, gây dư luận không tốt về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở một số địa phương. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nhà lưới, nhà kính ở đầu nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng và xả rác thải nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước được cử tri phản ánh nhiều nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa giải quyết dứt điểm.

Việc điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng vẫn còn bất cập. Đại biểu Ya Ti Ong, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lạc Dương cho rằng: “việc phân loại, quy hoạch ba loại rừng kéo dài 3 năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong, gây khó khăn cho công tác quản lý”. 

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, Sở tăng cường tuyên truyền nhân dân thu dọn rác vùng quanh hồ Đan Kia- Suối Vàng, tổ chức trồng cây xanh… 

Đối với việc rà soát 3 loại rừng, ngành chức năng đã hoàn thiện bản đồ số, bản đồ giấy, hiện nay tiếp tục rà soát, kiểm tra lại các diện tích này để thực hiện từ đầu năm 2022. Về xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp, dù có những chuyển biến tích cực nhưng năm 2021 vẫn xảy ra một số vụ việc nổi cộm, ngành Lâm nghiệp đã xây dựng Đề án quản lý, đồng thời có giải pháp cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và chủ rừng phối hợp thực hiện. Trong đó, tiếp tục tập trung xử lý các vụ phá rừng phức tạp, tăng cường xử lý cán bộ, nhân viên vi phạm.

Về vấn đề quy định xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, lãnh đạo Sở này cho biết: Tất cả quy định liên quan xây dựng nhà ở của người dân và các biệt thự đã được đơn vị triển khai khá rõ tại các văn bản của ngành. Quy định mật độ, chiều cao xây dựng đã có nhiều thay đổi theo quy định 41 của UBND tỉnh. Đây là nút mở tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, tuy nhiên các quy định này cũng nêu rõ về lộ giới, hạ tầng đường giao thông phải phù hợp với yêu cầu. 

Về vấn đề tách thửa, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, việc tách thửa hiện nay còn bất cập do nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhiều, ngay cả địa phương cũng chưa nắm rõ quy định. Bởi vậy, mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Theo quy định mới ban hành này, chỉ được tách thửa đất khi có bản vẽ thiết kế, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây được xem là quy định nhằm chấn chỉnh việc lợi dụng quy định "hiến đất làm đường" để phân lô, xẻ nền trái phép nhiều năm qua tại địa phương. Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ những sai phạm, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề phân lô, tách thửa, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm khẩn trương tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường, tách thửa tại địa phương từ năm 2018 đến nay. Trong đó, cần nêu rõ và chi tiết từng thửa đất, khu đất với các thông tin liên quan như: chủ sử dụng đất, địa chỉ, diện tích đất hiến để làm đường, thời điểm giải quyết đề nghị tách thửa, cơ quan cho phép tách thửa, hiến đất làm đường, hiện trạng sử dụng đất sau khi tách thửa…

Tại kỳ họp, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, tình trạng phân lô, tách thửa trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số huyện, thành phố, đặc biệt là thành phố Bảo Lộc, các huyện: Bảo Lâm, Lâm Hà, Lạc Dương nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kiên quyết và tiếp tục diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt. Do đó, cơ quan chức năng cần tổ chức điều tra, hồi tố vụ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định.

Trong năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Tỉnh chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khởi công và triển khai các công trình, dự án, đặc biệt là dự án Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo từ các nguyên liệu, sản phẩm có lợi thế của địa phương, công nghiệp hỗ trợ, dược phẩm...; sớm khôi phục, tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh... 

Ngoài ra, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm và đẩy mạnh giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo mới, giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn…

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn về giá xét nghiệm nhanh COVID-19; vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của ngành giáo dục, trường học; việc dạy và học trực tuyến nếu tiếp tục kéo dài như hiện nay sẽ rất bất cập, nhiều học sinh không đủ trang thiết bị học tập, khó đảm bảo chất lượng… 

Kết luận phiên chất vấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận cho rằng, các đại biểu đã chất vấn những vấn đề được cử tri và các địa phương quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành nhất là người đứng đầu nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong triển khai mọi nhiệm vụ, đặc biệt là xử lý kịp thời những vấn đề mà nhân dân quan tâm...

Trà Vinh: Nâng cao trách nhiệm trong công tác điều hành, quản lý để sớm thích ứng với điều kiện bình thường thường mới

Chú thích ảnh
Chủ tọa kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa X. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Chiều 8/12, HĐND tỉnh Trà Vinh khóa X bế mạc kỳ họp thứ 3. Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp đã thông qua 28 nghị quyết liên quan đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai nghiêm túc, cụ thể hóa để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Đoàn đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri và báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri theo quy định, phù hợp với tình hình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung dồn sức cho nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị nâng cao trách nhiệm trong công tác điều hành, quản lý để sớm thích ứng với điều kiện bình thường thường mới.

Năm 2022, Trà Vinh phấn đấu GRDP tăng trưởng từ 10-11% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 71,37% GRDP. Tỉnh phấn đấu có tổng vốn đầu tư toàn xã hội 30.000 tỷ đồng; phát triển mới 500 doanh nghiệp; có thêm huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới.

Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và quân, dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 23 chỉ tiêu được giao năm 2021, có 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP; thu nhập bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ trong GRDP; phát triển mới doanh nghiệp; thu ngân sách trên địa bàn; tỷ lệ đô thị hóa; tạo việc làm mới; tỷ lệ chất thải nguy hại và chất rắn y tế được xử lý, tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý; trong đó, tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh ước đạt 1,66%, (chỉ tiêu 11%), đứng thứ 10/13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người ước cả năm 67,07 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu 69 triệu đồng/người/năm).

Bắc Ninh: Tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Chú thích ảnh
Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Từ ngày 7 - 8/12, tại thành phố Bắc Ninh đã diễn ra Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Kỳ họp, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2021; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

 Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình với nhiều ý kiến chất lượng, đồng thời xem xét và biểu quyết thông qua 37 Nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao như: Nghị quyết ban hành quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022; Nghị quyết về Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội; mức trợ cấp xã hội; hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế đối với người mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí cho Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về việc ban hành Quy định nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh…

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung khẳng định đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành trong tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý và khẳng định những nội dung chất vấn sẽ được các cấp, ngành của tỉnh cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, không chỉ tiếp nối kết quả thành công của năm 2021 mà cần tạo ra động lực mới, tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập đời sống cho người dân. Tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, đặc biệt là chủ động ứng phó với biến chủng mới; mở rộng độ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.

Với đặc thù là tỉnh có nhiều khu công nghiệp mới được thành lập có vị trí đắc địa, đây là cơ hội để Bắc Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho tăng trưởng những năm tiếp theo. Tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; Tập trung cao công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn; hỗ trợ tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp...

PV TTXVN tại các địa phương
HĐND tỉnh Yên Bái thông qua 20 nghị quyết quan trọng
HĐND tỉnh Yên Bái thông qua 20 nghị quyết quan trọng

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, ngày 7/12, Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua 20 nghị quyết quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN