Đây là thông tin được ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chia sẻ tại Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, do Thành ủy Cần Thơ tổ chức ngày 15/4.
Ông Lê Quang Mạnh cho biết, dự án Trung tâm liên kết sản xuất nông nghiệp, dự kiến sẽ đặt tại khu vực cạnh Cảng hàng không quốc tế thành phố Cần Thơ để khai thác xuất khẩu đi các nước cũng như tận dụng hạ tầng đã đầu tư ở khu vực này. Theo quy hoạch, giai đoạn đầu sẽ triển khai 450 ha và giai đoạn hai là 2.000 ha. Trong khu này sẽ có bốn nhóm công năng chính, bao gồm: nhóm các dự án đổi mới sáng tạo, chế biến sâu các sản phẩm nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long; nhóm liên quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất; nhóm khai thác kinh tế của sân bay, bao gồm hạ tầng hàng không, dịch vụ logistics lạnh, vận tải và kết nối giữa các phương tiện giao thông khác nhau; nhóm sản xuất thương mại liên quan hàng cao cấp để đáp ứng nhu cầu về hàng giá trị cao.
Với dự án Trung tâm năng lượng Ô Môn, theo ông Lê Quang Mạnh, nhà máy Ô Môn I đã đưa vào hoạt động; nhà máy Ô Môn II đã được cấp phép cho nhà đầu tư Nhật Bản; nhà máy Ô Môn IV, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án Trung tâm năng lượng Ô Môn dự kiến có 5 nhà máy, trong đó, nhà máy Ô Môn V hiện được Tập đoàn điện lực Việt Nam xin đầu tư. Mỗi nhà máy trong Trung tâm năng lượng Ô Môn trung bình được đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD...
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, với cụm năng lượng nêu trên, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra một tiềm lực rất lớn về kinh tế cũng như tiềm lực về ngân sách, từ đó, tạo sức lan toả, giúp thay đổi lớn cho phát triển của thành phố.
Với dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Cần Thơ, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ. Ông Lê Quang Mạnh cho biết, nhà đầu tư mong muốn thành lập khu công nghiệp rộng 1.600 ha, nhưng ban đầu địa phương chỉ chấp nhận 290 ha để xem xét thực tế triển khai của nhà đầu tư. “Họ cam kết sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công làm hạ tầng sẽ lắp đầy 50% khu 290 ha này”, ông nói.
Cơ sở để nhà đầu tư đưa ra cam kết như trên, theo ông Mạnh, Công ty mẹ đầu tư khu công nghiệp Việt Nam - Singapore giống như Ủy ban quản lý vốn nhà nước, tức họ quản lý toàn bộ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp Singapore, cho nên, khi họ đầu tư khu công nghiệp ở đâu, thì đã có danh sách các doanh nghiệp của Singapore có vốn nhà nước cần có mặt bằng. “Họ tính kế hoạch cho cả doanh nghiệp thứ cấp và doanh nghiệp sẽ làm nhà máy trong khu này, chứ không phải chỉ làm mỗi hạ tầng như các nhà làm hạ tầng khu công nghiệp khác”, ông Lê Quang Mạnh giải thích.
Ba dự án nêu trên đang được địa phương tập trung nguồn lực triển khai để khai thác hết lợi thế cũng như cơ chế chính sách được trung ương ban hành trong các nghị quyết. Trên cơ sở đó, Cần Thơ mong muốn sẽ phát triển xứng tầm, là thành phố trung tâm, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị đã triển khai, quán triệt Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Các nội dung gồm quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long...