Theo số liệu Tổng cục Thống kê ước tính quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 7,01% so cùng kỳ (tăng trưởng kinh tế quý I/2022 tăng 5,86%), đứng thứ 03/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Hậu Giang và tỉnh Cà Mau). Trong số đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,26%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 0,73% và khu vực dịch vụ tăng 17,56% so cùng kỳ.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tình hình xuất khẩu hàng hóa trong quý I có nhiều khởi sắc, sản lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng so cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng thủy sản; các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trong quý I/2023, xuất khẩu 18.519 tấn thủy sản, đạt 19,49% kế hoạch, tăng 5,64% so cùng kỳ; sản lượng muối xuất khẩu ước đạt 198 tấn, đạt 7,92% kế hoạch, bằng 24,39% cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước 187,4 triệu USD, đạt 18,74% kế hoạch, tăng 6,67% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý I/2023 có nhiều diễn biến tích cực, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp quý I tăng 5,15% so với cùng kỳ; các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tình hình dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và lữ hành trong quý I/2023 tăng, các hoạt động du xuân, du lịch, đi lễ đầu năm tại những địa điểm tâm linh cũng được tăng lên, thu hút đông đảo khách du lịch góp phần nâng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường quý I ước đạt 18.250,391 tỷ đồng, bằng 24,79% kế hoạch, tăng 16,65% so cùng kỳ.
Cũng trong quý I/2023, các trà lúa phục hồi và phát triển tốt, cho năng suất cao vào cuối vụ, ước diện tích thu hoạch trong quý đạt 48.447 ha, sản lượng trên 286 nghìn tấn, đạt gần 24% kế hoạch, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Nhìn chung, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt theo kế hoạch nên hầu hết diện tích lúa và hoa màu đều được chủ động phòng ngừa và bảo vệ tốt, sản lượng thu hoạch đều tăng so với cùng kỳ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, đối với việc thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, trong quý I/2023, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch; cải cách hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Đến nay, đã thu hút đầu tư được 167 dự án ngoài khu công nghiệp; trong đó, 151 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 60.494 tỷ đồng; 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,509 tỷ USD).
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là ở khu vực nông nghiệp, giá tôm thương phẩm có tăng nhẹ từ 3,57 - 13,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn; quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản còn một số hạn chế, nhiều tàu đánh bắt không ra khơi.
Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; cộng thêm giá nhiên liệu tăng cao, việc xử lý các trường hợp vi phạm xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường chưa triệt để, chưa đủ sức răn re dẫn đến tình vi phạm vẫn còn diễn ra ở một vài nơi các thời điểm khác nhau...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; các cấp, các ngành khẩn trương, kịp thời xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trong quý II/2023, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 15 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh (đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp); nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch... Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm và xử lý nghiêm hành vi bơm chích tạp chất vào tôm.
Mục tiêu quan trọng nữa là tỉnh Bạc Liêu ưu tiên các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường…