Trong đó, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số đã thực sự trở thành những điển hình, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho làng quê, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tham Đôn vượt khó
Đề cập đến chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam khẳng định: Các địa phương sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu đều là những địa phương đã nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, không có điểm kết thúc. Từng địa phương trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến thăm xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng - nơi có hơn 72 % số dân là đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi được người dân ở đây giải thích về cái tên địa danh khá thú vị của quê hương mình. Xã Tham Đôn vốn có nguồn gốc từ tiếng Khmer là KompongĐon, có nghĩa là “bến dừa, vùng dừa”. Một thời gian dài trước đây, khoảng trên 50% diện tích đất canh tác của Tham Đôn bị nhiễm phèn, ngập mặn, thiếu nước ngọt, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm trước năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của Tham Đôn chiếm tới trên 45%.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn - Tăng Trung Bảo chia sẻ: Trước đây, Tham Đôn được mệnh danh là xã nghèo. Đường giao thông rất khó khăn, người dân thiếu nước ngọt để dùng cho sinh hoạt và sản xuất trong những tháng mùa khô. Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng và nhất là sự đồng lòng, vào cuộc của cấp ủy, Đảng, chính quyền và nhân dân, Tham Đôn đã xây dựng, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng, tổ chức phát triển sản xuất, sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới vùng khó khăn của tỉnh.
Xây dựng nông thôn mới chính là làm cho đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân Tham Đôn đã quyết tâm phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi bò sữa, nuôi tôm, trồng cây màu kết hợp đa canh. Hiện nay thu nhập của người dân đạt trung bình trên 54,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1%. Xã đang phấn đấu để sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu ở tỉnh Sóc Trăng.
Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn đổi mới, nhà cửa khang trang, những con đường hai bên hoa nở rực rỡ hoặc xanh mát bóng cây, Tham Đôn còn là một trong những xã làm tốt công tác gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Những ngôi chùa Khmer trên địa bàn xã như chùa Bưng Chụm, chùa Tắc Gồng là điểm đến, địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer trên địa bàn, luôn được người dân Tham Đôn trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị.
Viên Bình hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu
Thuộc huyện Trần Đề - một huyện ven biển tỉnh Sóc Trăng, xã Viên Bình cũng là địa phương có trên 70% số dân là người Khmer. Năm 2018, Viên Bình đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy sức mạnh toàn dân, trong những năm gần đây, Viên Bình tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới, huy động các nguồn lực để nâng chất các tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Sự hỗ trợ đầu tư về xây dựng kết cấu hạ tầng, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương đã tạo thuận lợi để Viên Bình nỗ lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, sớm hoàn thành các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao. Đến đến đầu năm 2022, Viên Bình đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Trần Đề.
Để có được kết quả này, Đảng bộ, bộ quyền người dân Viên Bình đã có giải pháp đột phá nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, đó là phát huy thế mạnh về sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản, áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các quy trình kỹ thuật, sử dụng nguồn nước tưới hợp lý, nguồn giống xác nhận, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp, năng suất và chất lượng lúa đều tăng cao so với phương pháp canh tác truyền thống trước đây, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Viên Bình.
Ông Sơn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên Bình cho biết: Tổ chức Hội đã cùng các đoàn thể tích cực vận động hội viên nông dân thực hiện các mô hình thắp sáng đường quê, phát triển chăn nuôi, trồng lúa chất lượng cao. Người dân trong xã tích cực tham gia các mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi tập trung. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 1,35% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,5 triệu đồng/năm.
Là một trong những điển hình được biểu dương trong dịp xã đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ông Kim Suôl - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở ấp Lao Vên, xã Viên Bình chia sẻ: Mong muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình và động viên bà con cùng làm, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn của hội nông dân, được các cán bộ khuyến nông, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn nhiều biện pháp canh tác để tăng năng suất lúa. Ông cũng tham gia cùng các cán bộ khoa học thử nghiệm canh tác, chọn ra những giống lúa chất lượng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, những xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Tham Đôn, Viên Bình, xuất phát điểm trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Song với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nỗ lực vượt khó của người dân, đoàn kết thực hiện các tiêu chí của chuẩn nông thôn mới và tiếp đó là nông thôn mới nâng cao đã đem lại sự khởi sắc cho làng quê, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào Khmer Nam Bộ đang đến gần. Những ngày này, tại các vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, không khí rộn ràng, náo nức đón Tết của đồng bào hòa trong niềm vui toàn tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh vào cuối tháng 4/2022, khơi dậy tinh thần tự hào, tiếp tục đồng lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc. Nhìn lại những kết quả đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tin rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng nói riêng, toàn tỉnh nói chung sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, đưa Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.