Sớm đưa 25 lao động của tỉnh Bắc Kạn ở Ảrập Xêút về nước

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ IX HĐND tỉnh Bắc Kạn, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, 25 lao động của tỉnh tại Ả-rập Xê-út chưa thể về nước và đang gặp khó khăn trong sinh hoạt.

Lao động Việt Nam ở Libya về nước, làm thủ tục khai báo kiểm dịch y tế tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN.


Cụ thể, 17 lao động được Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác Quốc tế Thăng Long (Công ty Thăng Long) đưa sang từ tháng 4/2014 vẫn chưa được cấp thẻ lao động, 8 lao động đưa sang từ đợt trước mặc dù đã được cấp thẻ nhưng vẫn không có việc làm.

Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với Công ty Thăng Long, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cục Xuất nhập cảnh để có giải pháp đưa những lao động này về nước nhưng do vướng mắc thủ tục ngoại giao nên chưa thể thực hiện được. Ông Lý Thái Hải khẳng định UBND tỉnh và các ngành liên quan sẽ làm hết sức mình để sớm đưa số lao động này về nước.

Theo nguồn tin của phóng viên TTXVN, 25 lao động đang rất khó khăn trong sinh hoạt, rơi vào cảnh thiếu đói nhiều ngày. Những lao động này chủ yếu là đồng bào nghèo của huyện Pác Nặm, đi xuất khẩu lao động theo dạng “ưu tiên” và được hỗ trợ ưu đãi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị Hoàng Thị Dua, vợ anh Giàng Á Thành, thôn Chẻ Pang, xã Cao Tân (huyện Pác Nặm) cho biết chồng chị đi xuất khẩu lao động đã 8 tháng nhưng chưa gửi được tiền về giúp đỡ gia đình vì đến nay vẫn chưa được cấp thẻ lao động. Hiện anh Giàng Á Thành và một số lao động sang cùng đợt đang rơi vào cảnh thiếu đói. Mong mỏi lớn nhất hiện nay của chị Dua là Công ty Thăng Long nhanh chóng giải quyết mọi thủ tục để chồng chị được về nước.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sau khi đưa 38 lao động của huyện Pác Nặm sang Ả-rập Xê-út làm việc vào tháng 7/2013, đến tháng 4/2014 một nhóm lao động khác gồm 17 người tiếp tục được Công ty Thăng Long đưa sang Ả-rập Xê-út. Tuy đã nhập cảnh nhưng không rõ vì sao đến nay 17 lao động này vẫn chưa được cấp thẻ lao động.

Không được phát thẻ lao động thì không thể đi làm, đồng nghĩa với việc không có lương, tiền trợ cấp thì lúc có, lúc không. Phóng viên đã có những hình ảnh do một lao động quay bằng điện thoại di động cảnh họ phải đi bới thùng rác ở Ả-rập Xê-út để kiếm sống. Sau khi nhận được nhiều đơn thư của người dân phản ánh về thực trạng này, chính quyền huyện Pác Nặm đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty Thăng Long, yêu cầu công ty nhanh chóng làm thủ tục đưa lao động về nước để tránh gây hoang mang, lo lắng cho người lao động cũng như người nhà của họ.

Theo ông Hoàng Kim Hồng - Bí thư huyện ủy Pác Nặm, Công ty Thăng Long lý giải nguyên nhân 17 lao động chưa thể về nước là do chưa có thẻ lao động nên không thể làm visa xuất cảnh. Huyện đã đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm việc với cơ quan chức năng của Ả-rập Xê-út để có giải pháp đưa các lao động về nước một cách sớm nhất.


Nguyễn Trình
(TTXVN)
Bảo đảm quyền lợi cho lao động xuất khẩu
Bảo đảm quyền lợi cho lao động xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu lao động thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN