Sau bão số 3, Quảng Ninh kiên định mục tiêu xóa hộ nghèo, cận nghèo

Ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thành lập ngay Tổ rà soát, xác định chính xác, cụ thể, nhận định, dự báo nguy cơ, tình hình gia tăng các hộ nghèo, cận nghèo sau bão số 3 để có giải pháp kịp thời triển khai ngay các chính sách hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu xóa hộ nghèo, cận nghèo.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Đá Trắng (xã Thống Nhất, TP Hạ Long) được nhận cơm miễn phí sau khi nhà cửa bị ngập trong nước lũ. Ảnh minh họa: Thanh Vân/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành, địa phương cần định hình rõ thời gian, mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, đề xuất các giải pháp cụ thể; vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân sau bão của Chính phủ và tỉnh; nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu lại lao động; huy động thêm các nguồn lực xã hội để đồng hành cùng tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.

Quảng Ninh quyết tâm vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu xóa nghèo bền vững theo tiêu chuẩn của tỉnh, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, hoàn thành trong năm 2025. Cụ thể đến năm 2025, tỉnh sẽ không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, hết 8 tháng của năm 2024, toàn tỉnh giảm 226/246 hộ nghèo (bằng 91,86% kế hoạch năm 2024); giảm 1.591 hộ cận nghèo (bằng 132,58% kế hoạch năm). Các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ. Công tác xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo được triển khai thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tuy nhiên, đầu tháng 9/2024, bão số 3 đổ bộ vào tỉnh với sức tàn phá lớn, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; trong đó có cả các hộ nghèo và cận nghèo. Điều này đang tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, khiến nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo tăng cao do một số gia đình có nguy cơ mất việc làm, khó khăn trong phát triển kinh tế.

Cuối tháng 9/2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quyết định bố trí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký và đang duy trì ổn định, thường xuyên hoạt động khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển; hỗ trợ học phí…

Năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia, về đích trước 2 năm. Để đảm bảo hài hòa tối đa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, tỉnh đã nâng cao tiêu chí, quy chuẩn nghèo mới, cao hơn 1,4 lần so với tiêu chí quốc gia, đồng thời áp dụng riêng trên địa bàn với quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới…

Văn Đức (TTXVN)
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn

Ngày 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 7329/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định về việc chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN