Rà soát dư địa phát triển các nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII

UBND tỉnh Ninh Thuận đang rà soát dư địa các nguồn điện được cho phép tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030.

Để đến năm 2025 công suất nguồn điện đạt 6.500MW như mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Ninh Thuận đang rà soát dư địa các nguồn điện được cho phép tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cập nhật phân bổ thêm công suất vào Kế hoạch triển khai quy hoạch điện VIII. Qua đó để làm cơ sở triển khai thực hiện mục tiêu đề ra. 

Chú thích ảnh
Nhân viên Điện lực Ninh Thuận sửa chữa, bảo trì lưới điện.

Tại Ninh Thuận, hiện các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy điện) đã đầu tư và đưa vào vận hành thương mại (COD) các nguồn điện đạt tổng công suất 3.749MW, đạt 57,7% so với mục tiêu mà tỉnh đặt ra đến năm 2025 là 6.500MW. Tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng của tỉnh so với cả nước chiếm trên 4,6% (3.749MW/80.704MW).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, căn cứ theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (đợt 1); công suất tăng thêm phân bổ cho tỉnh là 601MW (460MW điện gió, 120MW điện mặt trời và 21MW điện mặt trời mái nhà). Theo đó, tích lũy nguồn điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 4.350MW/6.500MW, chỉ đạt 66,9% so với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 mà tỉnh đặt ra. 

Như vậy, để đạt công suất tích luỹ 6.500MW thì cần rà soát dư địa các nguồn điện như: Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu; thuỷ điện; điện gió bờ; điện gió ngoài khơi… để làm cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu đạt công suất 6.500MW vào năm 2025.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển công suất điện tích lũy 5.300MW. Căn cứ theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, dự kiến công suất tăng thêm được phân bổ cho tỉnh đưa vào vận hành là 3.944MW/5.300MW, đạt 74,42% so với định hướng đề ra.

Để đảm quy mô công suất đạt đủ tổng công suất tích luỹ 5.300MW, tỉnh Ninh Thuận sẽ thực hiện rà soát dư địa các nguồn điện được cho phép tiếp tục phát triển giai đoạn 2021 - 2030 theo Quy hoạch điện VIII và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cập nhật phân bổ vào Kế hoạch triển khai quy hoạch điện VIII, quy mô công suất 1.356MW để làm cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo định hướng mục tiêu đặt ra.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, những năm qua, năng lượng, năng lượng tái tạo luôn là trụ cột, là động lực và là một trong những ngành đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 20-NQ/TU của tỉnh về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đạt kết quả tích cực, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng ngành năng lượng chiếm 22,76% GRDP của tỉnh (mục tiêu Nghị quyết đề ra 22% GRDP).

Hiện nay, hạ tầng năng lượng ở Ninh Thuận phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống kết nối điện khu vực quốc gia, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công trình truyền tải được triển khai đầu tư và đưa vào vận hành, giúp giải toả hết công suất như: Trạm 500kV và đường dây đấu nối 500kV, 220kV Thuận Nam; trạm 220kV Ninh Phước và đường dây 220kV đấu nối; Đường dây 220kV mạch kép trạm 220kV Ninh Phước đấu nối trạm 500kV Thuận Nam; nâng cấp máy biến áp các trạm 110kV và cải tạo nâng tiết diện dây dẫn tuyến đường dây 110kV đấu nối…

Ninh Thuận cũng đang phấn đấu hình thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo nhằm thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, về xây dựng Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo, tổng công suất tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét cập nhật bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là 33.918MW.

Cụ thể, điện gió trên đất liền 2.000MW, điện gió ven biển 4.380MW, điện gió ngoài khơi 21.000MW, điện khí LNG 6.100MW, thủy điện vừa và nhỏ 438MW, thủy điện tích năng 2.400MW, điện mặt trời 7.031MW.

Tuy nhiên, Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất chỉ 4.381MW; trong đó 1 dự án LNG Cà Ná công suất 1.500MW, 2 dự án thủy điện tích năng 2.400MW; 3 dự án thủy điện 44MW và 13 dự án điện gió 460MW, chiếm 12,91%.

Việc xây dựng mô hình phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước sẽ chậm thực hiện, bởi do một số nguyên nhân khách quan. Cụ thể, quy mô công suất các nguồn năng lượng, năng lượng tái tạo (điện khí LNG, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…) phát triển trên địa bàn tỉnh tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát thực hiện phối hợp trực tiếp với Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn, kiến nghị và cung cấp số liệu về tiềm năng để phục vụ triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện rà soát tính đồng bộ giữa các quy hoạch như: Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận; Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch Lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai đảm bảo tính thông suốt; đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế giá điện mới cho các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo, làm hành lang pháp lý triển khai để thu hút kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Tạo không gian pháp lý mới cho điện năng lượng tái tạo
Tạo không gian pháp lý mới cho điện năng lượng tái tạo

"Tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo" là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), diễn ra sáng 15/7, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN