Tỉnh bố trí hơn 14,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; gần 11,3 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; hơn 107,4 tỷ đồng đầu tư phát triển nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; gần 11,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; hơn 11,5 tỷ đồng phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí hơn 10,8 tỷ đồng thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; trên 9,5 tỷ đồng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Số kinh phí còn lại tỉnh đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện các chương trình.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 313.000 ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 47 xã, thị trấn ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh với khoảng 95.000 người dân đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025), kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng thực hiện 6 dự án đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng, bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo miền núi Quảng Trị là 26,1% giảm 3,25% so với năm 2022. Toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% thôn, bản có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng, hóa giúp bà con thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Tất cả các xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, 28/28 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị đều có trường Tiểu học, 75% số xã có trường Trung học Cơ sở.
Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc Tiểu học đạt 95%, bậc Trung học Cơ sở đạt 96%. Hơn 40% xã miền núi có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; 66% số hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm.
Hiện Quảng Trị có 21.399 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa; trong đó, có 10.243 hộ nghèo, 3.325 hộ cận nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống.