Thành phố Móng Cái có cách làm sáng tạo, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm đưa các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu trở lại trạng thái bình thường mới.
Nỗ lực khôi phục thông quan
Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID”. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, phía Trung Quốc đã 9 lần tạm dừng thông quan tại cửa khẩu, lối mở, đặc biệt từ ngày từ ngày 25/2 – 25/4/2022 dừng làm thủ tục thông quan đối với người, phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu Bắc Luân I, cửa khẩu cầu Bắc Luân II, Lối mở Km3+4 Hải Yên. Đây là đợt dừng thông quan dài nhất mà phía Trung Quốc áp dụng, do vậy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực.
Trước tình hình đó, thực hiện các thỏa thuận ký kết trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 13 Uỷ ban công tác liên hợp giữa các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và nội dung thống nhất tại cuộc hội đàm diễn ra vào tháng 2/2022, thành phố Móng Cái đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gắn với hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp với chính sách của phía Trung Quốc. Thành phố đã chủ động phương án xây dựng, giữ vững “vùng xanh” an toàn cho khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới, song song việc thường xuyên trao đổi, hội đàm với chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo niềm tin, cùng hợp tác sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Theo đó, từ tháng 2 đến nay, thành phố đã tổ chức hội đàm trực tuyến với Chính quyền thành phố Đông Hưng 3 lần và nhiều lần gửi thư, điện thoại trao đổi để thống nhất các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và các biện pháp khôi phục hoạt động thông quan; tiếp tục duy trì kênh thông tin, trao đổi với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) về việc phòng chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, lối mở để đẩy nhanh tiến độ, sớm khôi phục thông quan tại cửa khẩu Bắc Luân 2, Lối mở Km3+4 Hải Yên.
Đồng thời từ ngày 2/4 đến nay, thành phố yêu cầu lực lượng công tác tại cửa khẩu, cũng như tất cả người lao động, công nhân bốc xếp, lái xe trung chuyển, đại lý làm thủ tục hải quan khi vào khu vực cửa khẩu, lối mở phải đảm bảo đủ các điều kiện: Có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong 48 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu, thực hiện test nhanh kháng nguyên tự trả phí tại khu vực cổng kiểm soát mỗi lần vào, đã tiêm đủ từ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trở lên; ăn nghỉ tập trung khép kín trong khu vực cửa khẩu; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và khử khuẩn phương tiện, hàng hóa trước khi xuất khẩu.
Ngày 26/4, Cửa khẩu Bắc Luân 2 đã được thông quan trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo “vùng xanh” an toàn, “luồng xanh” an toàn tại khu vực cửa khẩu được phía Đông Hưng (Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam) thiết lập trước đó.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, song tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Móng Cái vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2022: Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn là 703 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu: 316 triệu USD, nhập khẩu 387 triệu USD), tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt 231 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải pháp lâu dài ổn định giao thương
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2021, đồng thời là thị trường nhập khẩu tiềm năng đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách “Zero-COVID năng động”, ngày càng quy định chặt chẽ và có yêu cầu cao hơn về các mặt hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 và những năm tiếp theo, về lâu dài, Việt Nam cần những giải pháp thích nghi, phù hợp với những quy định mới của Trung Quốc; trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ đảm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy đề nghị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp trên hai bên xây dựng cầu sắt thô sơ tại Lối mở Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ biên mậu Đông Hưng; Có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ kho bãi, bốc xếp, vận chuyển, logistic trên địa bàn thành phố để phát triển hạ tầng tương xứng với phía Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cũng kỳ vọng sẽ sớm thực hiện đề án xây dựng nền tảng cửa khẩu số, triển khai thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu. Thành phố đề xuất với Chỉnh phủ quan tâm, sớm phê duyệt, ủy quyền cho tỉnh Quảng Ninh để tiến hành các bước triển khai dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại Km3+4 trên địa bàn thành phố.
Để duy trì ổn định hoạt động xuất nhập khẩu an toàn, hạn chế tình trạng cơ quan chức năng phía Trung Quốc phát hiện mẫu dương tính trên phương tiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dẫn đến dừng thông quan thì trong thời gian tới, thành phố Móng Cái sẽ tăng cường thực hiện một số biện pháp như: tăng cường phun khử khuẩn đối với phương tiện, lấy mẫu xét nghiệm đối với hàng hóa trước khi xuất khẩu, quản lý nghiêm cán bộ, công chức khối liên ngành cửa khẩu, đội ngũ lái xe trung chuyển trong khu vực quản lý tập trung...
UBND thành phố Móng Cái khuyến cáo và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng như doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh mà hai địa phương Móng Cái, Đông Hưng đã thống nhất; tăng cường tuyên truyền, quản lý đội ngũ lái xe đường dài và lái xe trung chuyển của công ty mình, đảm bảo phối hợp với chính quyền địa phương giữ gìn “vùng xanh” an toàn tại khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn.