Như vậy, những người từ các địa phương có dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng (là địa phương số ca mắc tăng cao, điển hình như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam khác) khi về Quảng Ninh sẽ cách ly 14 ngày.
Chủ trì cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, trường hợp nếu vượt quá công suất, tỉnh tính toán phương án cách ly tại nhà theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 5389/BYT-MT của Bộ Y tế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch tiếp nhận đối với người từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh, đồng thời tính toán phương án đối với người từ các địa phương đang bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, nhất là những địa phương có mật độ dân số cao, tập trung nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Trên cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản của Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tốt việc tiếp nhận, cách ly người từ các tỉnh có dịch bệnh về địa phương; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các địa phương có chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào tỉnh bảo đảm tinh thần nghiêm túc thực hiện chủ trương của Trung ương, chia sẻ khó khăn với các địa phương đang là ổ dịch lớn, tạo thuận lợi cho người dân nhưng phải bảo đảm tuyệt đối không để lọt mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn mà không được kiểm soát. Phải tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 ra vào tỉnh, đảm bảo không có sơ hở; kiểm soát và thực hiện nghiêm ngặt trong phòng dịch đối với những phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào tỉnh; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch trên tuyến biển, tuyến biên giới.
Liên quan đến cơ chế sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống nảy sinh theo phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”, Ban Chỉ đạo các cấp cần tiếp tục chuẩn bị chu đáo các điều kiện từ cơ sở cách ly tập trung, vật tư hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, và nhân lực tham gia chống dịch, nhất là vật tư hóa chất, sinh phẩm đang khan hiếm như hiện nay; tiếp tục rà lại nhu cầu để tiếp tục chỉ đạo mua sắm vật tư, sinh phẩm, hóa chất theo yêu cầu dự phòng.
Lực lượng y tế của Quảng Ninh đã sẵn sàng chi viện cho tuyến đầu chống dịch tại các tỉnh phía Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và Bộ Y tế. Cùng với việc chi viện, ngành y tế cũng phải xây dựng phương án tổng thể của cả ngành để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và sẵn sàng ứng phó khi tình huống dịch bệnh nảy sinh trên địa bàn theo tinh thần thần tốc truy vết, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả.
Hiện, ngành Y tế Quảng Ninh đã bố trí sẵn sàng 300 cán bộ phòng, chống dịch để chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Các đơn vị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án tiếp nhận người dân từ TP Hồ Chí Minh về địa phương đúng theo chỉ đạo Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện thông tin thêm, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông ra, vào Quảng Ninh, song phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định như: khai báo y tế, có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính…
Về tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Quảng Ninh, trước ngày 24/6, Quảng Ninh đã trải qua 47 ngày liên tiếp không phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tính từ ngày 24-26/6, địa bàn tỉnh ghi nhận 8 ca dương tính (3 ca nhiễm cộng đồng; 5 ca nhiễm nhập cảnh). Từ ngày 26/6 đến nay chưa phát hiện ca dương tính mới.