Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu luôn thực hiện hiệu quả các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
Nâng cao hơn nữa đời sống đồng bào Khmer
Bạc Liêu có hơn 17.000 hộ gia đình Khmer với trên 74.000 nhân khẩu (tương đương 7,57% dân số của tỉnh).
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương luôn nhất quán chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc Khmer so với bình quân chung của tỉnh.
Những chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả. Đặc biệt là nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Khmer, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn các giá trị truyền thống trong đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh duy trì các lớp dạy song ngữ tiếng Việt và tiếng Khmer. Việc dạy tiếng Khmer vừa nâng cao trình độ dân trí, vừa góp phần giữ gìn, phát huy giá trị ngôn ngữ, chữ viết, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với khu vực thành thị.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer, Bạc Liêu quan tâm đầu tư để các ngôi chùa ngày càng khang trang. Từ nhiều nguồn vốn, tính đến cuối năm 2022 đã có 4 chùa Khmer được xây dựng mới và trùng tu ngôi Chánh Điện; có 4 chùa xây mới ngôi giảng đường và nhiều chùa xây mới cổng, hàng rào, cột cờ, danh lam; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ tốt nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào phật tử Khmer.
Người dân tiếp cận các nguồn vốn, tăng gia sản xuất
Ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân có hơn 95% dân số là người Khmer, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tỉnh Bạc Liêu. Những năm qua, nhờ được đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, người dân tiếp cận các nguồn vốn tăng gia sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở đây không ngừng được nâng lên.
Gia đình ông Danh Nam có khoảng 1.000 m2 trồng rau màu. Giữa vùng đất mặn, những liếp rau vẫn phát triển xanh tốt. Lúc thì trồng các loại rau thơm, lúc cải xà lách, cải xanh, khi thì trồng hẹ... cứ như thế ông có rau màu bán quanh năm. Những lúc cao điểm, có ngày ông bán 5 - 60 kg rau, thu nhập trên 1 triệu đồng. Được vay 5 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Nam đầu tư xây dựng thêm mái che bằng lưới, giúp rau phát triển tốt hơn ở vùng nước mặn trong mùa nắng nóng. Chăm chỉ sản xuất, kinh tế của gia đình ông Nam ngày càng phát triển. Năm nay, gia đình ông đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đủ đầy.
Ninh Thạnh Lợi là xã vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Hồng Dân. Sau một năm sản xuất thắng lợi, bà con phấn khởi đón Tết. Từng là vùng đất phèn mặn, người dân lao động cật lực quanh năm vẫn không đủ sống nhưng từ khi chuyển đổi các mô hình sản xuất, đời sống của đồng bào thay đổi mạnh mẽ. Năng, lác một thời ngự trị trên vùng đất này đã được thay thế bằng con tôm, cây lúa - những sản vật mang lại cuộc sống ấm no cho nông dân.
Các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hiện các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, Trạm y tế, Đài truyền thanh và có trường học kiên cố.
Tỉnh quan tâm đầu tư nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, đào tạo nghề…
Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bạc Liêu còn tập trung chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…
Hằng năm, dịp các ngày lễ hội, Tết của đồng bào Khmer, các cấp, ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ theo phong tục truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với không khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà bản sắc dân tộc; tặng quà, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng dân tộc Khmer của tỉnh Bạc Liêu ngày càng khởi sắc. Cuộc sống ngày càng tốt lên, đồng bào càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua, lao động sản xuất và xây dựng cho phum, sóc khang trang giàu đẹp.