Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tân Thạnh, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai đã đạt chuẩn quốc gia mức độ II nhưng năm học mới vẫn cần thêm một số phòng học và phòng chức năng. Thầy Bùi Quang Định, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường đang xây mới 6 phòng học và 6 phòng chức năng, dự kiến hoàn thành trước ngày Khai giảng. Bên cạnh đó, trường xây thêm một số hạng mục tạo khuôn viên sáng, xanh, sạch và đẹp.
Trường Trung học Cơ sở Hộ Phòng, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai đang trong quá trình hoàn thành xây mới và sửa chữa cơ sở vật chất. Khi đưa vào sử dụng, công trình không chỉ đáp ứng ứng tốt công tác dạy và học mà còn là tiền đề để trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Giá Rai, năm học mới 2023 - 2024, thị xã dành hơn 250 tỷ đồng từ ngân sách xây dựng mới, sửa chữa 230 phòng học, phòng chức năng tại các cơ sở giáo dục. Phòng chỉ đạo các trường rà soát, chỉnh trang khuôn viên sân trường, cảnh quan… sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024 và là tiền đề để ngành Giáo dục địa phương thực hiện mục tiêu 100% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025.
Các huyện, thành phố khác của tỉnh Bạc Liêu đang khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới. Tại Trường Trung học Phổ thông Ninh Thạnh Lợi, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, các hạng mục sửa chữa đang được khẩn trương hoàn thành. Thầy Danh Tô Nol, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, là điểm trường vùng xa của tỉnh, cơ sở vật chất của trường được quan tâm đầu tư theo hướng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương.
Tại thành phố Bạc Liêu, do triển khai sớm nên đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản hoàn thành. Ông Trần Bằng Phi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bạc Liêu cho biết, nhiều trường được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Điển hình như khu hiệu bộ, phòng bộ môn, nhà đa năng và thiết bị của Trường Trung học Cơ sở Lê Thị Cẩm Lệ được đầu tư 15 tỷ đồng.Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa được xây dựng 8 phòng chức năng, mua sắm thiết bị gần 15 tỷ đồng. Cùng với vốn đầu tư của ngành, nhiều trường chủ động tự sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất từ nguồn xã hội hóa.
Cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, ngành giáo dục Bạc Liêu tích cực vận động học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng bỏ học sau kỳ nghỉ hè. Các trường phối hợp chặt chẽ với địa phương điều tra chính xác số trẻ trong từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo đủ chỗ cho học sinh, tránh tình trạng quá tải ở các trường. Ngành đã xây dựng chỉ tiêu huy động học sinh trên địa bàn quản lý theo tình hình thực tế.
Tiến sĩ Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngay từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… Trong đó, ngành đặc biệt chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng lớp đối với các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh còn tổ chức tập huấn nâng chuẩn châu Âu cho các giáo viên cốt cán đang giảng dạy môn tiếng Anh ở các cấp học. Giáo viên không những được cập nhật, nâng cao kiến thức mà còn được hướng dẫn các kỹ năng soạn giảng, trình chiếu… từ đó ứng dụng hiệu quả hơn công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tự tin, sẵn sàng bước vào năm học mới với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.