Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường.
Với quan niệm “Vạn vật hữu linh”, cho rằng mọi vật đều có linh hồn, từ đó các nghệ nhân dân gian Mường thời xưa đã sáng tác các tác phẩm Mo: Mo giải hạn, Mo xin số, Mo mụ, Mo vía, Mo lễ tang, Mo tổ tiên, Mo đôi đũa và được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó.
Chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo - những người nắm giữ tri thức Mo, họ không những thuộc lòng hàng vạn câu Mo, mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán.
Kết quả khảo sát, kiểm kê thực trạng di sản Mo Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy, hiện nay số lượng ông Mo, thầy Mo của tỉnh Phú Thọ chỉ còn 31 người. Trong đó, huyện Tân Sơn có 17 người, huyện Yên Lập có 14 người.
Các nghi lễ có tên gọi là Mo ở Phú Thọ gồm: Mo tang ma, Mo vía, Mo giải hạn, Mo Mát nhà, Mo cầu thọ, Mo mụ. Trong đó, Mo trong lễ tang là loại hình đặc sắc nhất. Mo trong lễ tang của người Mường ở Phú Thọ chủ yếu tập trung vào phần lễ chính như: Bài Mo nhập quan, Mo cúng cơm, Mo động thân, Mo chia của, Mo mát nhà. Các ông Mo, thầy Mo đều truyền đạt qua phương thức truyền khẩu vì người Mường không có chữ viết.
Về xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, chúng tôi có dịp được chiêm ngưỡng, thưởng thức Nghệ nhân ưu tú, Mo Mường Nguyễn Đình Thưởng tái hiện nghi lễ Lễ hội Mở cửa rừng. Ông Thưởng cho biết: Lễ hội Mở cửa rừng, hay còn gọi Lễ hội Tì Sằn, là lễ hội truyền thống độc đáo của người Mường xã Minh Hòa (huyện Yên Lập), thường được tổ chức vào mùng 6 hoặc mùng 7 tháng Giêng, để bắt đầu một mùa săn bắt, hái lượm; mang ý nghĩa cầu mong các thần linh phù trợ một mùa khai sơn mới gặp nhiều may mắn.
Trong chương trình Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc được tổ chức tháng 12/2022 tại Việt Trì, Phú Thọ, Lễ hội Mở cửa rừng được lựa chọn làm trích đoạn trình diễn trong chương trình Khai mạc Ngày hội.
Xã Ngọc Đồng là xã thuần nông, với trên 90% dân số là người dân tộc Mường, ông Thưởng đã gắn bó cả cuộc đời với tín ngưỡng văn hóa dân gian của đồng bào mình. Ngay từ khi còn nhỏ, ông được thừa hưởng những hiểu biết và tập tục của người Mường từ bố đẻ là thầy Mo Nguyễn Đình Cho. Lúc còn sống, ông Cho thường làm các nghi lễ như: Cúng vào mùa, ra mùa, lễ mừng cơm mới, lễ làm vía buộc tay cho người già, trẻ nhỏ, đặc biệt là lễ mở cửa rừng, đóng cửa rừng vào mùng 7 tháng Giêng và 25 tháng Chạp hằng năm. Vì thế, những âm thanh của lời hát, tiếng trống, mõ, sên, phách đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Khi vừa tròn 27 tuổi, ông Thưởng chính thức nối gót cha trở thành thầy Mo Mường.
Cũng giống như ông Thưởng, thầy Mo Nguyễn Hữu Chỉnh (72 tuổi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập) theo học nghề từ thuở còn niên thiếu, sau 15 năm, khi đã thông thạo, tận tường các bài Mo mà tổ tiên truyền tụng qua nhiều đời bằng văn tự cổ, ông Chỉnh được làm lễ cấp sắc, chính thức trở thành thầy Mo kế tụng cha ông.
Ông Cảnh chia sẻ: Với người Mường, thầy Mo là người được dân làng đặc biệt quý trọng. Họ là người giữ trọng trách thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Để được làm thầy Mo, trước hết trong gia đình phải có người từng làm thầy, truyền nghề lại cho con cháu. Bên cạnh đó, người được chọn làm thầy Mo phải là người có tâm, tài, đức, thật thà, ăn nói phải đĩnh đạc, phúc hậu và phải là người giữ gìn được nề nếp, gia phong trong gia đình. Thầy Mo không chỉ thông thạo văn tự cổ, lưu giữ được nhiều sách cổ, phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, mà còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Bà Nguyễn Trương Phương Hà - Phó trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở VH,TT&DL) cho biết: Hiện nay, Mo Mường vẫn đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, việc giao thoa, du nhập văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác đã khiến cho di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một, biến đổi.
Số lượng ông Mo, thầy Mo trong các bản Mường ngày càng ít dần, trong đó có nhiều thầy Mo đã trên 80 tuổi. Số lượng người muốn và có khả năng theo học Mo không nhiều, do phải ghi nhớ một khối lượng câu Mo rất lớn, đặc biệt người học phải có tố chất, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ cúng (các đời cha, ông đã từng làm nghề truyền lại).
Ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ… số lượng các bài Mo, đoạn Mo đã bị rút gọn, giản lược hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, người Mường không có chữ viết, nội dung bài Mo được các ông Mo, thầy Mo ghi nhớ và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong quá trình lưu truyền, bảo tồn, số lượng câu Mo, bài Mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về di sản văn hóa Mo Mường của người Mường Phú Thọ hầu như chưa có. Vì vậy, quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ cho biết: Tỉnh Phú Thọ đang phối hợp cùng 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hòa Bình, thống nhất phối hợp xây dựng hồ sơ Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là đề án được Bộ VH,TT&DL chủ trì, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ đang tích cực triển khai thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa Mo Mường. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá di sản văn hóa Mo Mường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy Mo Mường cho các nghệ nhân kế cận. Đồng thời tích cực thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước về di sản, chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý và bảo vệ di sản cho cán bộ ngành văn hóa các cấp. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mo Mường trên địa bàn tỉnh.