Để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ đã xây dựng, triển khai 14 nghị quyết, 5 đề án, 6 kế hoạch về các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...
Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi, Đảng bộ huyện đã xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá quan trọng, làm tiền đề để Đồng Hỷ tăng tốc, phát triển các tiềm năng, lợi thế, trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh Thái Nguyên...
Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ của Huyện ủy Đồng Hỷ, trong thực hiện đột phá "Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu hành chính huyện, xây dựng xã Hóa Thượng thành đô thị trung tâm, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, tường bước hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025", đến nay, Đồng Hỷ đã bàn giao, đưa vào sử dụng 7 công trình tại trung tâm hành chính mới Thị trấn Hóa Thượng.
Trong quý II/2023, huyện triển khai dự án xây dựng đường nội thị khu hành chính và các tuyến đường kết nối với hệ thống giao thông của tỉnh và Quốc gia, đồng thời tích cực triển khai thực hiện 3 dự án khu dân cư đã lụa chọn được nhà đầu tư và 2 dự án khu đô thị đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách...
Là một trong 3 vùng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên, Đảng bộ huyện đã lựa chọn, triển khai thực hiện đột phá "Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất chè tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn VietGap và theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm trà an toàn, có giá trị cao, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trà Đồng Hỷ".
Đến nay, Đồng Hỷ đã quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chè tập trung theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã: Văn Hán, Khe Mo, Minh Lập, Hòa Bình, Văn Lăng và thị trấn Sông Cầu. Toàn huyện đã có hơn 2000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hướng hữu cơ, trong đó tổng diện tích được cấp giấy chúng nhận VietGap và hữu cơ đạt trên 600 ha.
Toàn huyện đã có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận mà sỗ vùng trồng trên địa bàn 7 xã, thị trấn, trong đó có 8 mã vùng trồng chè; đồng thời phát triển được 36 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các sản phẩm trà đặc sản địa phương...
Cùng với phát triển cây chè, Đồng Hỷ còn thực hiện đột phá "Hình thành và phát triển chuổi các điểm du lịch sinh thái, hang động văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn". Bước đầu, huyện đã hình thành tuyến du lịch sinh thái vùng chè Trại Cài (xã Minh Lập) - mô hình bảo tồn Làng văn hóa truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, Đền Hích (xã Hòa Bình) kết nối với Hang Chùa - Suối Tiên - Bản Tèn (xã Văn Lăng); tuyến du lịch, thăm quan, trải nghiệm làng nghề miến Việt Cường, làng nghề chè tổ 4, 5 Thị trấn Sông Cầu...
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: Nhờ tập trung chỉ đạo thực hiện ba đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nên Đổng Hỷ luôn duy trì được mức tăng trưởng khá, thu hút được 9 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên mối ha đất nông nghiệp dự ước năm 2023 đạt khoảng 124 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân hàng năm đạt 2,35%, đời sông nhân dân ngày càng nâng cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện chỉ đạo các cấp ủy đảng chính quyền trên địa bàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, có lợi thế của địa phương như: khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, dự án khác để phát triển kinh tế - xã hội tổng thể...
Huyện chủ trương thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, phấn đấu xây dựng Đồng Hỷ trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.