Ông Nguyễn Văn Tý (65 tuổi), thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành có 35 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây cảnh.
Gắn bó với niềm đam mê cây cảnh 35 năm nay, ông Nguyễn Văn Tý (65 tuổi), thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, cho biết, là một nông dân nên ngoài trồng lúa, rau màu thì ông còn trồng, chăm sóc nhiều loại cây ăn quả. Năm 1989, thấy nhiều người thích chưng hoa mai vào dịp Tết Nguyên đán nên ông đã tìm tòi, nghiên cứu trồng mai để bán. Đồng thời, ông chọn trồng, chăm sóc, tạo dáng thêm một số cây cảnh bon sai khác.
"Tôi rất đam mê việc tạo dáng cho cây trồng, nên tôi thường nghiên cứu cách chăm sóc cây cảnh. Khi thị trường cây cảnh ngày càng phát triển thì những cây này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đến nay vườn của tôi có hàng trăm cây cảnh đủ chủng loại được mua, bán đã mang thường xuyên. Nếu so sánh với cây lúa thì cây cảnh thu nhập cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, chăm sóc cây cảnh không chỉ cần mỗi đam mê mà còn cần kiến thức, sự hiểu biết để có thể tạo nên cây cảnh có giá trị kinh tế cao", ông Tý, chia sẻ.
Trong những năm gần đây, nghề trồng cây cảnh phát triển mạnh ở huyện Nghĩa Hành; trong đó, thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức được xem là "vựa" cây cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn thôn có khoảng 120 hộ làm nghề trồng cây cảnh. Thôn Xuân Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể làng nghề cây cảnh vào năm 2021. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, cho hay, phong trào trồng, thưởng ngoạn cây cảnh ngày càng phát triển không chỉ góp phần làm cho hình ảnh huyện Nghĩa Hành ngày càng đẹp hơn, mà còn tạo nên nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều người dân trong huyện. Điều này cũng phù hợp với định hướng của huyện Nghĩa Hành là xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thủ văn minh và đặc biệt là xây dựng phong trào sáng - xanh -sạch - đẹp của các cơ quan và đường làng ngó xóm.
Bên cạnh những nhà vườn, trang trại trồng cây cảnh, hoa kiểng; một số làng nghề trồng hoa ở các vùng nông thôn cũng phát triển rất mạnh, giúp người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.
Ông Đặng Văn Minh ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, cho biết, ông đã gắn bó với nghề trồng hoa hơn 20 năm. Trước đây ông chỉ trồng các loại hoa phục vụ các ngày lễ, tết, ngày rằm... nhưng những năm gần đây, ông đã trồng thêm các loại hoa cho giá trị cao như hoa hồng ngoại, hoa lan. "Ngoài việc cải tạo diện tích hơn 500 m2 vườn để trồng các loại hoa, tôi còn chuyển đổi một phần diện tích ruộng sang trồng hoa. Đến nay, vườn hoa của gia đình tôi không chỉ là nơi tham quan, học tập của một số anh chị em có đam mê trồng hoa trong tỉnh mà còn được người chơi hoa lan, hoa hồng ngoại tại các tỉnh, thành khác tìm đến đặt mua", ông Minh cho biết.
Ngày càng nhiều người thích chơi, thưởng ngoạn, kinh doanh sinh vật cảnh.
Là ngành kinh tế được mệnh danh có thu nhập "không giới hạn", bởi giá của sinh vật cảnh luôn thay đổi và tùy thuộc vào thị hiếu của người mua. Vì thế, số lượng người kinh doanh sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Sản phẩm sinh vật cảnh cũng ngày càng được đa dạng hóa từ cây cảnh nội thất, cây cảnh ngoại thất, cây bon sai, cây hoa… cho đến các loài thú cưng như chó, mèo, chim cảnh, cá cảnh.
Đến nay, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tập hợp 7 hội thành viên ở các huyện, thị xã, thành phố và 3 hội chuyên ngành trực thuộc; có 85 chi hội, câu lạc bộ cơ sở, với gần 2.600 hội viên chính thức. Toàn tỉnh có trên 600 nhà vườn, trang trại; trong đó, có 5 nhà vườn được công nhận nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu Việt Nam, 25 nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu cấp tỉnh.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Minh Giữ, cho biết: mục tiêu của Hội Sinh vật cảnh tỉnh là xây dựng và phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn; phát triển tổ chức hội sinh vật cảnh gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái...
"Để đạt được mục tiêu này, Hội đã đề xuất các cơ quan chức năng liên quan khảo sát quy hoạch vùng chuyên canh hoa, cây cảnh; tập trung phát triển, hướng dẫn, tập huấn cho những người yêu thích sinh vật cảnh có thể biết về kỹ trồng, chăm sóc, tạo ra những tác phẩm đẹp, có giá trị kinh tế cao. Hướng dẫn các nhà vườn, nghệ nhân, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen các loại cây sinh vật cảnh để tạo thêm thu nhập", ông Giữ nhấn mạnh.